An toàn với môn văn
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng người ra đề văn rất coi trọng tính an toàn, dù vậy sự phân hóa của đề thi vẫn được đảm bảo.
Thí sinh vui vẻ sau khi xong môn ngữ văn |
NGỌC DƯƠNG |
Ở phần đọc hiểu, dù đề tài “Tuổi trẻ nhìn từ mối quan hệ với đất nước, quê hương” trở đi trở lại nhiều lần trong sách giáo khoa và trong các đề thi gần đây, song ngữ liệu được chọn vẫn là một đoạn trích hay với cách diễn đạt giàu tính biểu trưng, hình ảnh giàu sức gợi, ngôn từ thấm đẫm cảm xúc. Các câu hỏi nhận biết và thông hiểu quen thuộc, giúp học sinh dễ lấy được trọn điểm.
Ở phần nghị luận xã hội, vấn đề trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước cũng rất quen thuộc nhưng vẫn có ý nghĩa giáo dục đối với thí sinh (TS). Phần nghị luận văn học, thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống cũng không quá xa lạ, thậm chí nằm trong phạm vi kiến thức giới hạn được giáo viên và học sinh chú ý ôn tập nhưng nội dung phân hóa gây chút bất ngờ khi yêu cầu có thay đổi về dạng so với năm 2021. Yêu cầu “liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong tác phẩm” là một gợi ý đắt giá, nhắc lại kiến thức một cách tinh tế nhằm hỗ trợ học sinh trong phần nhận xét.
Kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Bà Trịnh Thị Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng đề thi ngữ văn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với TS. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.
Thạc sĩ Trần Lê Duy, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét đa số các câu hỏi gần gũi, đòi hỏi mức độ tư duy vừa phải, TS không khó để đạt mức điểm khá với đề này. Cách đặt câu hỏi của đề đáp ứng tinh thần phát triển năng lực, đòi hỏi vận dụng và có kỹ năng, chống học vẹt, thuộc lòng và tạo được hứng thú cho TS, đủ để phân hóa.
Đề không có cơ hội cho sự sáng tạo
Ông Phạm Phúc Thịnh, lãnh đạo một trường phổ thông ngoài công lập tại TP.HCM, dí dỏm nhận xét: “Bao nhiêu năm rồi còn… mãi như xưa”.
Thầy Thịnh chia sẻ, 50% tổng số điểm của đề thi vẫn là phần nghị luận văn học và nội dung của bài nghị luận văn học vẫn cũ và quẩn quanh Vợ chồng A Phủ, Lặng lẽ Sapa, Chiếc thuyền ngoài xa, Người lái đò sông Đà... “Có nghĩa là, cuối cùng, thi tốt nghiệp môn ngữ văn cũng chỉ là kiểm tra việc ghi nhớ các điều đã được nghe giảng chứ không phải là kiểm tra xem TS có tư duy văn học thế nào”, vị chuyên gia giáo dục này nói.
Tặng phụ trương Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT
Trong 2 ngày 8 và 9.7, trên mỗi số báo, Báo Thanh Niên sẽ tặng phụ trương Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT. Phụ trương có 4 trang gồm hướng dẫn cách giải đề thi từ các giáo viên có kinh nghiệm, nhận xét về đề thi, đồng thời cung cấp nhiều thông tin về tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, những số báo này sẽ tăng cường các thông tin liên quan đến tình hình thi khắp nơi, nhận xét, đánh giá về đề thi, tiếp sức mùa thi…
Tương tự, giáo viên Trương Minh Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho rằng đề tài trách nhiệm thanh niên với cuộc sống là bình thường, quen thuộc. Đề không có cơ hội cho sự sáng tạo và những suy nghĩ riêng để bộc lộ cá tính. Tư duy phản biện, suy nghĩ trái chiều không có nên khó tìm ra TS giỏi vì không có đất để diễn.
Ở phần nghị luận xã hội, theo bà Thu Tuyết, có thể đưa đến những cách suy nghĩ xúc động, chân thành nhưng không ngoại trừ những bài viết chung chung, hô khẩu hiệu, sáo rỗng... “Hơn thế nữa, nếu TS không đọc kỹ câu lệnh “trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”, có thể các em sẽ nhầm lẫn sang việc trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước. Câu lệnh cũng có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc cho TS xung quanh cách hiểu về việc ‘tiếp bước’”, bà Tuyết nhận định.
Với tâm trạng thoải mái trong ngày thi đầu tiên, thí sinh tự tin bước ngày cuối của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 |
ĐỘC LẬP |
Với thầy giáo Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu thường xuyên được chọn, xuất hiện trong các năm 2015, 2018 và năm nay. Nhưng đề chưa thật sự rõ ràng về đối tượng cần phân tích, mới chỉ ghi chung chung là phần trích đoạn văn sẽ gây khó cho TS trong việc xác định đối tượng phân tích và luận điểm.
Đề toán dễ hay khó ?
Ông Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng khá bất ngờ với cách ra đề năm nay, cấu trúc, ma trận đề thi giống với đề minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố song mức độ kiến thức trong đề thi lại khó hơn đề minh họa.
Ở đề minh họa, kiến thức ở mức độ cơ bản chiếm từ 70 - 80% kiến thức trong đề thi, mức độ phân hóa TS chỉ nằm ở 10 câu hỏi cuối. Thế nhưng, với đề thi chính thức thì lại không như vậy.
Nếu như mọi năm và theo đề minh họa, mức độ vận dụng cao trong đề chỉ xuất hiện trong 10 câu hỏi cuối, từ câu hỏi số 40 - 50, thì năm nay ngay từ câu số 29, 30 đã là các câu hỏi ở mức vận dụng.
Mức độ khó của 10 câu cuối trong đề thi năm nay vẫn khó tương đương so với mọi năm song các câu hỏi ở mức vận dụng lại xuất hiện từ sớm. Dù không quá khó song đòi hỏi TS vẫn phải nắm thật vững kiến thức. Như vậy, tính ra đề thi năm nay chỉ có 50 - 60% kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu, còn lại là vận dụng và vận dụng cao.
“Tôi cho rằng, đề không phù hợp với 2 mục đích là vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ mà nghiêng về phù hợp với mục đích tuyển sinh vào các trường ĐH hơn là xét tốt nghiệp”, ông Chính nhận định.
Theo ông Chính, đề thực sự gây khó, quá sức cho đa số TS. TS trung bình khá còn có thể làm được một số câu hỏi vận dụng còn TS trung bình sẽ gặp khó. Số TS dưới trung bình trong môn thi này năm nay dự đoán sẽ cao hơn. Dù vậy, TS khá, giỏi vẫn có khả năng đạt điểm 9, 10.
Ông Phạm Văn Quang, quyền Trưởng ban Toán, Hội đồng Khoa học và sư phạm Trường Phổ thông Dewey (Hà Nội), phân tích: Sự phân hóa nằm ở khoảng 10 câu vận dụng (20%) và 5 câu vận dụng cao (5%). Nội dung và cấu trúc đề thi gần như không thay đổi so với những năm trước. Kiến thức vẫn chủ yếu tập trung vào lớp 12, chỉ có 3/50 câu thuộc kiến thức lớp 11 (cấp số nhân, tổ hợp, xác suất), còn lại 47/50 câu thuộc kiến thức lớp 12.
Ông Quang cho rằng, do tình hình học trực tuyến trong hầu hết thời gian năm học, và với đề thi tương đương năm ngoái thì điểm thi cũng không có nhiều biến động. Dự kiến điểm trung bình khoảng 6,5 điểm, phổ điểm từ 7 - 8 điểm.
“Ở những câu vận dụng, vận dụng cao, đề thi nên tăng cường các câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn, nhằm đánh giá toàn diện hơn năng lực của học sinh, cũng như sẽ kích thích trí tò mò, hứng thú học tập của học sinh với môn toán hơn”, ông Quang đề xuất.
Vẫn còn nhiều TS sử dụng điện thoại
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT sau ngày thi đầu tiên, ở môn thi ngữ văn, tỷ lệ TS dự thi đạt 99,6%; môn toán là 99,59%. Cả nước có 79 TS thuộc diện F0 tại 20/63 hội đồng thi.
Có 22 TS vi phạm quy chế thi trong ngày thi đầu tiên (môn ngữ văn 12 trường hợp, môn toán là 10), trong đó có 5 TS mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 17 TS mang điện thoại vào phòng thi. “Theo báo cáo từ các địa phương, các buổi thi trong ngày thi đầu đã diễn ra theo đúng kế hoạch và quy định”, Bộ GD-ĐT cho biết.
Trong buổi thi môn ngữ văn sáng 7.7, thống kê sơ bộ cả nước có 12 TS vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật thì Hà Nội có tới 9 trường hợp. Đây cũng là địa phương có số TS diện F0 nhiều nhất với 11 em. Ngoài ra, địa phương này cũng còn 10 TS là F0 xin đặc cách tốt nghiệp.
Tuyết Mai
Thí sinh nói toán khó và lạ những câu cuối
Cuối giờ thi môn toán chiều qua 7.7, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã đến khảo sát tình hình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi trường chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đông Hà, Quảng Trị). Kết thúc giờ thi môn toán, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nán lại giữa sân trường để hỏi han tình hình làm bài của các TS. Trả lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đa số TS cho biết đề thi môn toán vừa sức, một số em tự tin dự đoán đạt điểm 8, 9.
Nhiều TS ở Thừa Thiên-Huế cho rằng đã “trúng tủ” môn văn, còn với phần thi trắc nghiệm môn toán có nhiều câu khó và “lạ” phần cuối. Tại Quảng Bình, TS nhận định đề thi môn toán cũng khó từ câu số 40 trở về sau.
“Em thấy đề thi năm nay phân loại rõ ràng với từng TS, nếu có học bài thì sẽ làm được chứ không có câu gì khó cả. Sau phần thi sáng nay, em cảm thấy rất hài lòng”, Trần Đức Trung Nguyên, TS tại điểm thi Trường THPT Hai Bà Trưng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế, nhận xét sau môn ngữ văn sáng 7.7. Cũng tại điểm thi này, TS Huỳnh Văn Quang cho biết môn toán năm nay khó và nói: “10 câu cuối đề lạ nên em chỉ làm được 4/5 của đề thi thôi”. TS Hồ Hoàng Bảo Ngọc cũng nhận xét đề toán từ câu 40 - 50 rất khó và “lạ” so với những năm trước.
Nguyễn Phúc - Lê Hoài Nhân - Bá Cường
Bình luận (0)