Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được duy trì để đảm bảo đúng luật Giáo dục, nhưng cần đổi mới theo hướng linh hoạt, hiệu quả, giảm áp lực, đánh giá người học theo phẩm chất, năng lực được quy định trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh lớp 10 đang theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có 6 môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, lịch sử. Căn cứ vào đó, theo một lãnh đạo Bộ GD-ĐT, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, lịch sử, ngoại ngữ. Bộ GD-ĐT cũng đang cân nhắc có thể có thêm một số môn thi lựa chọn để học sinh chọn theo môn học mà các em chọn học ở cấp THPT. Điều này đảm bảo để các cơ sở giáo dục ĐH có cơ sở xét tuyển cho phù hợp.
Nếu lịch sử trở thành môn thi bắt buộc thì cần phân hóa để phù hợp với định hướng nghề nghiệp, không yêu cầu tất cả thí sinh (TS) đều thi giống nhau.
4 MÔN BẮT BUỘC VÀ THÊM CÁC MÔN LỰA CHỌN
Trước hết, Bộ GD-ĐT cần đầu tư nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ về các khía cạnh của kỳ thi tốt nghiệp như: mục tiêu, cách thức tổ chức, số môn thi, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của kỳ thi THPT; chất lượng đào tạo ĐH và nghề nghiệp; đánh giá khả năng hội nhập của giáo dục VN thông qua thi THPT và tuyển sinh ĐH; đánh giá các yếu tố tác động tích cực cũng như tiêu cực của thi cử đối với dạy và học ở trường phổ thông.
Cần ổn định thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và 2024, nhưng cải tiến đề thi theo hướng đánh giá năng lực. Đề thi môn ngữ văn cần sáng tạo, gắn với thực tế, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để TS không sử dụng văn mẫu; ngăn chặn gian lận bằng công nghệ cao trong bối cảnh ChatGPT ra đời.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do địa phương chủ trì, phù hợp, đồng bộ với mục tiêu, cách thức tổ chức dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, 4 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử là những môn học bắt buộc nên sẽ là môn thi bắt buộc. Ngoài ra, TS được chọn thêm 2 đến 3 môn trong các môn (vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, nghệ thuật) theo định hướng nghề nghiệp, nhưng chỉ có 2 môn tính điểm tốt nghiệp. Điểm xét tốt nghiệp là điểm trung bình 6 môn (bao gồm điểm ưu tiên, khuyến khích), không có sự tham gia của điểm trung bình cả năm lớp 12.
CẦN PHÂN HÓA ĐỀ THI MÔN SỬ
Môn lịch sử là môn thi bắt buộc, nhưng đề thi cần phân hóa thành 2 đề, một đề thi nâng cao dành cho những TS có định hướng nghề nghiệp liên quan môn lịch sử; và một đề thi cơ bản, dành cho TS định hướng nghề nghiệp không liên quan môn lịch sử.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có 55,53% TS đăng ký dự thi tổ hợp khoa học xã hội nhưng tỷ lệ trúng tuyển ĐH các nhóm ngành có sử dụng tổ hợp C00 (văn, sử, địa) chỉ chiếm dưới 9% (trong đó, khoa học xã hội và hành vi trúng tuyển 6%; lĩnh vực nhân văn khoảng 2%, lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, pháp luật, công an... chiếm khoảng 1%). Các ngành khác như kinh doanh và quản lý là 26%, máy tính và công nghệ thông tin (13%), công nghệ - kỹ thuật (9%), nhân văn (9%), sức khỏe (6%)... Điều này cho thấy nguồn nhân lực hết sức đa dạng, trong đó lao động các ngành có sử dụng kiến thức, kỹ năng môn lịch sử là không nhiều.
Đề thi tốt nghiệp nên theo hướng đánh giá năng lực, dựa vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định của chương trình giáo dục. Thời gian tổ chức thi 6 buổi cho từng môn hoặc nhóm môn sau: (1) toán, (2) văn; (3) ngoại ngữ và sử; (4) lý, hóa và sinh; (5) địa, giáo dục kinh tế và pháp luật; (6) tin, công nghệ và nghệ thuật. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ do các trường tự chủ.
CẢI TIẾN THI TỐT NGHIỆP THPT LIÊN TỤC SAU NĂM 2013
Từ khi có Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được cải tiến liên tục.
Năm 2014 là năm đầu tiên cải tiến thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, TS dự thi 4 môn (giảm 2 môn), trong đó 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, 2 môn do TS tự chọn trong số các môn (lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ). Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sau đó vẫn tổ chức theo phương án 3 chung.
Hai năm 2015, 2016, kỳ thi tốt nghiệp thành kỳ thi THPT quốc gia (kỳ thi 2 trong 1), nhằm mục đích: dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT; cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu để tuyển sinh ĐH, CĐ. TS phải dự thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc toán, ngữ văn và ngoại ngữ, 1 môn tự chọn trong số các môn (lý, hóa, sinh, sử và địa). Điểm xét tốt nghiệp có sự tham gia 50% điểm trung bình cả năm lớp 12.
Về tổ chức thi, chia làm 2 loại cụm thi: TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp thi tại cụm thi địa phương, do Sở GD-ĐT chủ trì; TS dự thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì, phối hợp với các Sở GD-ĐT.
Giai đoạn 2017 - 2019: Tiếp tục kỳ thi THPT quốc gia, với 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân đối với TS học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn sử, địa đối với TS học chương trình GDTX). Tất cả các bài thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn ngữ văn. Việc tổ chức thi do địa phương chủ trì, phối hợp các trường ĐH, CĐ; mỗi địa phương 1 hội đồng thi.
Giai đoạn 2020 - 2022: kỳ thi trở thành kỳ thi tốt nghiệp THPT theo luật Giáo dục 2019. TS dự thi 5 bài thi; điểm xét tốt nghiệp có sự tham gia 30% điểm trung bình cả năm lớp 12.
Đặc biệt, hai năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trường học nhiều nơi phải đóng cửa, chuyển sang dạy và học trực tuyến, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT, chia làm 2 lần.
Tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng giao cho các trường tự chủ, với nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như xét tuyển theo học bạ, xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả điểm thi đánh giá năng lực, tuyển thẳng ĐH theo quy định của Bộ hay theo quy định riêng của các trường... Nhờ đó, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển điểm thi THPT giảm, làm giảm áp lực cho TS rất nhiều.
Thi tốt nghiệp ngày càng giảm áp lực
Mặc dù còn nhiều bất cập như tiêu cực gian lận xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018, đề thi có năm dễ nên xảy ra "mưa điểm 10" điểm trúng tuyển ĐH trên 30 điểm, tuyển sinh bằng điểm học bạ nên nạn "xin điểm, chạy điểm" xảy ra..., nhưng thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2014 - 2022 đã có nhiều cải tiến.
Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH ngày càng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội: TS được quyền lựa chọn tổ hợp dự thi theo khả năng và định hướng nghề nghiệp; tuyển sinh nhiều phương án và tuyển sinh sớm nên giảm áp lực cho thi tốt nghiệp; tuyển sinh ĐH có xét đến chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đã thúc đẩy chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đã đi vào ổn định, được người dân, xã hội đồng tình, đánh giá cao. Các trường ĐH tin tưởng kết quả kỳ thi, có trường đã dành đến 70% chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi. Tỷ lệ nhập học theo các phương thức xét tuyển của năm 2022 như sau: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhất, chiếm (52,38%), xét kết quả học tập THPT (36,24%), sử dụng phương thức khác (4,10%), xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở giáo dục ĐH (1,93%), xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (1,34%).
Phân luồng học sinh sau THPT ngày càng hiệu quả, tỷ lệ học sinh chọn giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng. Kết thúc đợt 1 tuyển sinh ĐH năm 2022 đã có hơn 100.000 TS trúng tuyển nhưng không nhập học mà tham gia học giáo dục nghề nghiệp (kể cả TS đạt điểm cao), đi du học, trực tiếp lao động ở trong nước và xuất khẩu lao động nước ngoài.
Bình luận (0)