Đừng hoảng hốt với tâm lý “sợ bị giăng dây”
N.L.H, học lớp 12 tại Q.8, TP.HCM, cho hay càng sát ngày thi tốt nghiệp THPT (7 - 8.7) em càng hồi hộp, căng thẳng tới mức không thể tập trung ôn bài: “Em ăn không ngon, không yên tâm ngủ, nhưng cầm sách thì học không vào. Cảm giác bồn chồn rất sợ”. Trong khi đó, mẹ của H. liên tục đọc báo, xem ti vi để cập nhật số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày của TP.HCM và nói với cả nhà: “Từ giờ tới lúc H. thi xong không ai đi đâu ra ngoài. Y tế phường mà đến giăng dây một cái là mất thi ngay”.
Tâm trạng của N.L.H và mẹ không phải là hiếm, khi sắp tới có gần 90.000 thí sinh (TS) ở TP.HCM bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở đây. Song, theo các chuyên gia, sự mất bình tĩnh, hoảng hốt những ngày này không có lợi cho cả phụ huynh và học sinh.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Trung Hậu, công tác tại Bệnh viện Q.10, cho hay gần đến ngày thi tốt nghiệp THPT, lo âu là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên nên biết kiểm soát, bởi muốn có kết quả thi tốt nhất cần sự tập trung cao độ. Tâm lý căng thẳng bất ổn là một trong những nguyên nhân gây tổn hại sức khỏe cũng như tinh thần, dẫn đến sự mất tập trung khi làm bài thi. “TS nên duy trì lối sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya để ôn bài vì sẽ dẫn đến căng thẳng lo âu”, bác sĩ Hậu nói.
Theo bác sĩ Hậu, cha mẹ, gia đình là chỗ dựa rất quan trọng cho các em TS trước ngày thi. “Sự quan tâm động viên từ cha mẹ, sự lạc quan trong tinh thần của phụ huynh giúp TS vững tâm hơn”, bác sĩ nói.
|
Kiểm soát thời gian lướt mạng xã hội
Thí sinh hiện nay hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, cập nhật rất nhanh trên mạng xã hội, song không phải thông tin nào cũng chính xác. Trước ngày thi, tin chưa kiểm chứng về Covid-19 khiến học trò thêm hoang mang, sợ hãi.
Vì thế anh Nguyễn Ngọc Huy Sang, Giám đốc, đồng sáng lập Gia sư eTeacher (TP.HCM), cho biết để có tinh thần thật sự thoải mái bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT tới, TS cần thiết lập thời khóa biểu khoa học, giờ nào nghỉ ngơi, ôn bài, lướt mạng xã hội trong bao lâu. Không nên sa đà trên mạng xã hội và bị nhiễu thông tin, từ đó càng căng thẳng hơn.
“Càng chuẩn bị kỹ trước kỳ thi, các em càng tự tin hơn. Bây giờ TS cần phải xác định tâm lý than thở, sợ hãi hay buông xuôi không giải quyết được vấn đề gì. Thi tốt nghiệp THPT cũng giống như một cột mốc trong nhiều cột mốc mà trong đời các em sẽ phải bước qua, vậy thì sao không mạnh mẽ lên?”, anh Sang chia sẻ.
Theo anh Sang, những ngày sát ngày thi, thí sinh không nên thức quá khuya để học mà nên nghỉ ngơi đầy đủ, ăn đủ chất, nhiều rau xanh, hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ, tập thể thao nhẹ nhàng ở nhà để tăng sức đề kháng. Đồng thời, nên ôn bài theo dạng học lướt, tổng hợp kiến thức. Bởi học là một quá trình, vài ngày cuối càng thức khuya ôm đồm kiến thức sẽ khiến học trò càng rối và lo âu hơn.
|
Đừng quên chuẩn bị các vật dụng cần thiết
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng ở TP.HCM, do đó cần chuẩn bị kỹ lưỡng dụng cụ học tập mang vào phòng thi (để tránh giờ chót phải chạy đi mua, xin từ bên ngoài) cũng như dụng cụ bảo hộ cho TS.
Học sinh nên chuẩn bị kỹ khẩu trang, kính chống giọt bắn, nước rửa tay, giữ khoảng cách… để kỳ thi diễn ra an toàn. Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Trung Hậu cho hay vào các ngày làm thủ tục dự thi cũng như các ngày thi, TS cần tuân thủ chỉ thị và các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt thông điệp 5K: khẩu trang, khai báo y tế, khoảng cách, không tụ tập, khử khuẩn. Phụ huynh đợi con cũng không nên tập trung đông người ngoài cổng trường.
Bình luận (0)