Sáng 12.6, đoàn công tác Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam.
Tránh bài học đã xảy ra ở Yên Bái và Cao Bằng
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh thuộc cụm thi số 56, có 17.427 thí sinh đủ điều kiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Địa phương đã bố trí 56 điểm thi với 771 phòng thi, hơn 1.757 cán bộ coi thi.
Hiện tỉnh đã thành lập hội đồng thi và các ban của hội đồng thi để quán triệt, tập huấn quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra… Ngoài ra, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương phục vụ, chuẩn bị các điều kiện tốt phục vụ công tác thi.
Về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi được triển khai thực hiện chu đáo, đầy đủ, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và đúng quy chế thi.
Cục A06-Bộ Công an: 'Cần niêm phong cáp điện thoại, vô hiệu hóa thiết bị thu phát sóng tại nơi in sao đề thi tốt nghiệp THPT"
Sở GD-ĐT tỉnh cũng phối hợp với Công an tỉnh khảo sát, lựa chọn địa điểm an toàn, biệt lập và được lực lượng công an kiểm tra về an ninh, an toàn; có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng ngừa lọt thông tin, phòng cháy, chữa cháy…
Theo ông Tường, tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, vì vậy trong kế hoạch giáo dục nói chung; đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT thì sở rất quan tâm đến các trường ở các huyện miền núi này, nên đã thành lập các đoàn, hỗ trợ ôn tập, phụ đạo cho các em học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp.
"Công tác kiểm tra được Ban chỉ đạo tỉnh, Sở GD-ĐT quan tâm, chú trọng, xem đây là công việc hết sức quan trọng nhằm xử lý, giải quyết kịp thời những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức thi, đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc", ông Tường nhấn mạnh.
Ông Đỗ Xuân Giang, cán bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), đánh giá cao công tác chủ động trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, ông Giang cũng đề nghị Công an tỉnh nghiên cứu phương án, tăng cường thêm lực lượng túc trực tại các cửa ra vào đảm bảo tính niêm phong, bảo mật.
Ông Giang cho rằng, kỳ thi năm nay chúng ta hết sức lưu ý để tránh bài học kinh nghiệm đã xảy ra ở Yên Bái và Cao Bằng vào năm ngoái, khi 2 thí sinh đã sử dụng điện thoại chụp ảnh đề thi đưa ra ngoài.
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải mới nhưng không vì vậy mà chủ quan. Bởi vì ở mỗi mùa thi nào đó cho dù kết quả có tốt đến mấy, thì khi xem xét kỹ chúng ta vẫn thấy nhiều bất cập, tồn tại cần khắc phục sửa chữa cho những kỳ thi tiếp theo.
"Với quyết tâm rất cao, đến nay Quảng Nam đã chuẩn bị cơ bản công tác tổ chức tốt nhất cho kỳ thi THPT năm 2024 với tiêu chí đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc…", ông Tuấn nói.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo của Ban chỉ đạo tỉnh cũng như các ban chuyên môn của Sở GD-ĐT.
Ông Sơn cho rằng, kỳ thi này không chỉ là để xét tốt nghiệp THPT, mà còn là căn cứ để đánh giá hoạt động dạy học của các địa phương, các cơ sở giáo dục. Kỳ thi năm nay dù có sự phân cấp giữa các địa phương nhưng chỉ dùng chung một đề thi trên toàn quốc. Vì vậy, chỉ cần sai sót ở 1 địa điểm thi sẽ ảnh hưởng đến sự thành công chung của cả kỳ thi trên toàn quốc.
"Ý nghĩa, vai trò của việc đảm bảo sự thành công ở tất cả các điểm thi là hết sức quan trọng. Chúng ta cùng chung tay với ngành giáo dục thực hiện tốt trách nhiệm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc, đúng quy chế", ông Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh cần quan tâm tuyệt đối đến tính bảo mật đề thi. Từ khâu vận chuyển, lưu trữ, bảo quản đề thi, các biện pháp an ninh, an toàn, cháy nổ… luôn được đảm bảo.
Ngoài ra, cần phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh. Bởi, một kỳ thi chắc chắn sẽ không thành công nếu ở đâu đó có thí sinh đến phòng thi mà không được dự thi vì một lý do đặc biệt, hoặc thí sinh đi vào phòng thi nhưng xảy ra vấn đề nào đó.
"Trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT cũng như các địa phương nỗ lực làm tất cả, dành cái khó về hết cho mình để tạo thuận lợi tối đa nhất cho các thí sinh", ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng yêu cầu cần phải tuyên truyền kỹ cho các thí sinh trước khi vào phòng thi sẽ được mang theo những cái gì và những thứ gì không được mang. Bởi, hiện nay vẫn nhiều nơi còn băn khoăn các em đi thi có mang CCCD hay không. Việc tuyên truyền không chỉ qua kênh thông tin đại chúng mà còn qua các trường phổ thông để các em nắm rõ được, phụ huynh cũng nắm rõ được việc này. Đặc biệt, cấm tuyệt đối các thiết bị công nghệ gian lận trong thi cử.
"Mọi sự thành công đều phải được lập trình. Chúng ta lập trình ở đây có nghĩa là lập kế hoạch, phân công rất cụ thể, thời gian tiến độ, trách nhiệm…", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin thêm.
Bình luận (0)