Sáng nay (28.6), hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
LINH HOẠT XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
Kỳ thi năm 2022, câu chuyện thí sinh (TS) ở Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) ngủ quên trong giờ thi tiếng Anh dẫn tới bị điểm 0 môn học này và trượt tốt nghiệp THPT là bài học đắt giá không chỉ với TS mà cả giám thị và lực lượng coi thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở địa phương mới đây, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đề nghị các địa phương tổ chức coi thi nghiêm túc, đúng quy chế nhưng cần tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng cho TS. Ông Chương cũng nhắc lại trường hợp TS học rất giỏi nhưng chỉ vì ngủ quên trong môn thi cuối cùng dẫn tới không làm bài thi, trượt tốt nghiệp THPT gây xôn xao dư luận cả nước năm vừa qua. Theo ông Chương, coi thi sẽ có rất nhiều tình huống diễn ra, có những tình huống đã quy định xử lý nhưng có tình huống chưa có quy định thì giám thị phải xử lý linh hoạt. TS ngủ nhưng thầy cô không nhắc các em dậy làm bài, thầy cô coi thi khẳng định mình không làm sai quy chế, chỉ có điều thấy TS ngủ thì để cho các em ngủ. "Một việc nhỏ nhưng lại thành chuyện lớn", ông Chương nói.
Ông Chương cũng lưu ý phải cố gắng hạn chế can thiệp vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm để sửa lỗi thông tin cá nhân cho TS. Muốn làm được như vậy thì mỗi TS phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc tô đúng, tô đủ các thông tin trên phiếu, mỗi buổi coi thi giám thị phải nhắc nhở TS nhằm hạn chế sai sót, cố gắng giảm tối đa can thiệp vào phần mềm chấm thi để sửa lỗi cho TS vì việc này rất phức tạp, phải giám sát chặt chẽ.
Năm nay, trong những danh mục vật dụng được mang vào thi không có đồng hồ đeo tay khiến nhiều TS và địa phương thắc mắc có cho phép TS đeo đồng hồ vào phòng thi hay không? Ông Chương khẳng định những vật dụng như bút viết, đồng hồ, TS được mang vào phòng thi nhưng không được lợi dụng các vật dụng ấy để gắn thiết bị gian lận thi cử. Cán bộ làm nhiệm vụ coi thi phải giám sát chặt chẽ điều này.
HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA ĐỘC LẬP VỚI HOẠT ĐỘNG KHÁC
Việc sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp áp dụng từ năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến một số quy định liên quan công tác thanh tra, kiểm tra. Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo nguyên tắc độc lập với các thành phần trong hội đồng thi. "Trước đây, trong quy chế thi, thanh tra vẫn tham gia vào ký niêm phong, giám sát coi như một thành phần của hội đồng. Như vậy là vừa thanh tra, kiểm tra, vừa giám sát chính mình, mất đi tính độc lập. Vì vậy, sau nhiều năm chúng tôi kiên quyết báo cáo với lãnh đạo bộ sửa quy chế thi đảm bảo hoạt động thanh tra, kiểm tra độc lập với hoạt động khác", ông Cường cho biết.
Theo đó, cơ quan thanh tra, kiểm tra độc lập đứng ngoài theo dõi, quan sát, kiểm tra nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì lập biên bản, có kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Công tác coi thi vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên, có một số điều chỉnh đảm bảo linh hoạt, hiệu quả hơn trong các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT ở các điểm thi. Đồng thời giao cho các trưởng đoàn có sự điều chỉnh linh hoạt đối với những điểm thi có những vị trí, địa điểm phức tạp, bổ sung thêm lực lượng thanh tra, kiểm tra phù hợp.
"Đây là công việc cũ nhưng chúng tôi luôn luôn khuyến cáo các địa phương không được chủ quan, không được nghĩ rằng công việc bình thường. Mặc dù công việc cũ nhưng mỗi năm sẽ có những tình huống khác nhau, không năm nào giống năm nào nên phải thận trọng, kỹ càng và đúng quy chế. Mọi quy trình trong công tác thanh kiểm tra theo đúng quy định pháp luật, không thể sáng tạo", ông Cường chia sẻ.
Tặng thí sinh phụ trương gợi ý giải đề thi
Báo Thanh Niên sẽ gửi tặng các TS phụ trương gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT 2023 trên báo in số ra các ngày 29 và 30.6. Phụ trương gồm 4 trang với hướng dẫn giải đề chi tiết do các giáo viên có nhiều kinh nghiệm thực hiện.
Để kịp thời cung cấp thông tin cho TS, ngay sau mỗi buổi thi, Thanh Niên Online sẽ cập nhật nhanh nhất đề thi, gợi ý giải đề và nhận xét đề trên website tại địa chỉ thanhnien.vn.
Gần 99% thí sinh đến làm thủ tục dự thi
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, ngày làm thủ tục dự thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Cụ thể, tính đến 18 giờ ngày 27.6, toàn quốc có hơn 1 triệu TS đến làm thủ tục dự thi, chiếm tỷ lệ 98,86% so với số đăng ký dự thi. Có 11.665 TS chưa làm thủ tục dự thi, chiếm tỷ lệ 1,14% so với số đăng ký dự thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn quốc có 63 hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi. Tổng số 1.024.063 TS đăng ký dự thi.
Giúp thí sinh an tâm đi thi
Năm nay, Hà Nội có 102.095 lượt TS đăng ký dự thi. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, TP.Hà Nội đã bố trí 4.263 phòng thi tại 189 điểm thi ở 30 quận, huyện, thị xã. TP.Hà Nội đã điều động 15.507 cán bộ làm nhiệm vụ thi, trong đó có 14.907 cán bộ coi thi tại các điểm thi; gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi.
Tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Q.Hà Đông, Hà Nội), em Hoàng Thị Thu Hà (trú H.Chương Mỹ, Hà Nội) vừa gặp tai nạn gãy chân cách đây vài hôm, mất căn cước công dân trước ngày thi. Một cán bộ làm công tác coi thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã cử lực lượng hỗ trợ đưa TS vào phòng thi, lên phương án hỗ trợ TS về việc làm mất căn cước công dân ngay trước kỳ thi quan trọng.
Điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Q.Đống Đa, Hà Nội) có 1 TS bị thủy đậu ngày thứ ba. Điểm thi quyết định cho TS này ngồi thi riêng tại phòng dự phòng để tránh lây sang bạn khác.
Đình Huy - T.Mai - Nguyễn Trường
Bình luận (0)