Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, của hàng triệu học sinh, phụ huynh trên cả nước.
Những học sinh lớp 11 năm học 2023-2024 sẽ là lứa thí sinh đầu tiên tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT áp dụng Chương trình GDPT mới, vào năm 2025. Chương trình GDPT 2018 với định hướng phát triển tư duy năng lực cá nhân, định hướng nghề nghiệp nên việc học của học sinh THPT đã có những thay đổi ngay từ năm lớp 10 so với trước trình THPT cũ.
Cụ thể, ngoài các môn học bắt buộc toán, ngữ văn, lịch sử, ngoại ngữ… học sinh được quyền lựa chọn 4 môn học theo sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai, chứ không còn bắt buộc học 13 môn học như trước đây. Chính vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng cần có những điều chỉnh cho phù với định hướng và mục tiêu của chương trình.
Sau nhiều lần xây dựng, xin ý kiến, Bộ GD-ĐT ngày 14.11 đã có báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và trình bày tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 3 phương án thi tốt nghiệp THPT và kiến nghị chọn phương án thi 4 môn (2 môn bắt buộc + 2 môn tự chọn) thay vì 5 môn hoặc 6 môn như đã đưa ra lấy ý kiến trước đó.
Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn
Nhiều giáo viên và học sinh đã bày tỏ sự quan tâm và dự đoán về quyết định mà Bộ GD-ĐT sẽ công bố vào chiều nay.
Học sinh muốn chọn phương án nào?
Qua thăm dò với khối 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), hầu hết học sinh đều chọn phương án thi tốt nghiệp THPT có 4 môn. Các em cho rằng việc thi ít môn giúp giảm áp lực, đồng thời 2 môn tự chọn sẽ giúp thí sinh thể hiện năng lực sở trường của mình một cách hiệu quả nhất.
Chẳng hạn, Bùi Quang Ngọc Hân, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, chia sẻ: "Nếu chỉ thi 4 môn thì ngoài 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn), em sẽ chọn tiếng Anh, vật lý. Bởi lẽ tiếng Anh và vật lý là 2 môn em tự tin nhất và cũng nằm trong tổ hợp môn tự chọn em đang học. Và em có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 4 môn này tham gia tuyển sinh ĐH vào khối ngành kiến trúc mỹ thuật".
Các phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025:
- Phương án 1 - lựa chọn 2+2: thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).
- Phương án 2 - lựa chọn 3+2: thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
- Phương án 3 - lựa chọn 4+2: thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Ngày 14.11 vừa qua, Bộ GD-ĐT kiến nghị, đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án 1. Điều này đồng nghĩa mỗi thí sinh thi 4 môn (lựa chọn 2+2) gồm: thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12.
Chọn phương án có lợi nhất cho thí sinh?
Ông Phùng Nhật Anh, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng Bộ GD-ĐT sẽ chọn phương án thi tốt nghiệp THPT làm sao có lợi nhất với thí sinh. Ông Nhật Anh dự đoán quyết định sẽ nghiêng về phương án thi 4 môn.
Bên cạnh đó, ông Nhật Anh bày tỏ sự tiếc nuối khi môn tiếng Anh không là môn thi bắt buộc thì thí sinh TP.HCM sẽ thiệt thòi bởi TP.HCM đã có những đầu tư cho học sinh nâng cao năng lực học ngoại ngữ từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, ông Nhật Anh cũng cho rằng cần tính đến bình diện chung của cả nước.
Còn thạc sĩ Phan Thế Hoài, dạy THPT tại Q.Bình Tân (TP.HCM), dự đoán xác suất 99% Bộ GD-ĐT sẽ quyết định chọn phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn để giảm áp lực cho thí sinh.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nhận định: "Tôi tin rằng Bộ GD-ĐT sẽ chốt phương án thi tốt nghiệp THPT chính thức là 4 môn. Việc thi ít môn sẽ vừa giảm áp lực cho học sinh vừa giảm gánh nặng áp lực kinh tế so với việc tổ chức kỳ thi nhiều môn và kéo dài thời gian".
Ông Phú cũng tán thành việc 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Theo ông Phú, việc được lựa chọn 2 môn tự chọn trong phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp học sinh thể hiện sở trường năng lực của mình một cách tốt nhất.
Bình luận (0)