Thi tốt nghiệp THPT: Tuyệt đối an toàn trong các khâu của đề thi

19/06/2024 06:06 GMT+7

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đặc biệt nhấn mạnh đến khâu bàn giao, bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh.

Hà Nội là địa phương có số thí sinh (TS) dự thi đông nhất, chiếm tới 1/10 số TS thi tốt nghiệp THPT của cả nước. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết năm nay toàn TP có gần 109.000 TS đăng ký dự thi, trong đó số TS tự do là 4.175, bằng với số TS của một tỉnh. Do số TS đông, nhiều đối tượng khác nhau với hàng trăm điểm thi nên công tác bảo đảm an toàn, an ninh của kỳ thi được đặc biệt coi trọng.

Thi tốt nghiệp THPT: Tuyệt đối an toàn trong các khâu của đề thi- Ảnh 1.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội

VÂN ANH

100% các điểm thi đều được lắp camera giám sát tại phòng bảo quản đề thi, bài thi; có phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối bên trong và bên ngoài các điểm thi.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề xuất Bộ GD-ĐT có danh mục máy tính cầm tay TS được mang vào phòng thi để thuận tiện trong việc giám sát; cho phép hội đồng thi các tỉnh, thành phố được in bổ sung đề thi chính thức để đối chiếu trong trường hợp phát hiện đề thi bị mờ, nhòe…

Nhắc lại việc một số học sinh và phụ huynh lan truyền thông tin sai sự thật về lộ đề thi trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, đại diện Công an TP.Hà Nội nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm và cảnh báo người sử dụng mạng xã hội không đăng tải các thông tin chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng tới an toàn, an ninh của kỳ thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh Hà Nội là địa phương có quy mô về TS, điểm thi và áp lực thi cử lớn nhất cả nước và đã có sự chuẩn bị từ rất sớm và bài bản, có kiến nghị cụ thể cho kỳ thi này so với các địa phương mà ông đã đi kiểm tra.

Ông Thưởng nhấn mạnh phải "tuyệt đối an toàn" trong các khâu của đề thi: Với Bộ GD-ĐT là khâu ra đề, với các địa phương là yêu cầu về việc in sao, bàn giao, bảo quản đề thi. Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến thí sinh và cán bộ coi thi, nếu để xảy ra lộ lọt đề thi, dù vô tình hay cố ý cũng sẽ bị xử lý hình sự.

Không chỉ chú trọng khâu bảo quản đề thi trước và trong quá trình diễn ra kỳ thi, ông Thưởng còn đặc biệt lưu ý tới khâu bảo quản bài thi của TS bởi "để mất bài thi của TS thì không có gì bù đắp được". Do vậy, giống như đề thi, bảo quản bài thi cần chú trọng tới việc giám sát 24/24, có phương án phòng chống cháy nổ tại các khu vực bảo quản đề thi, bài thi.

Nhắc đến việc gần đây phụ huynh ở Bắc Ninh phản ánh giám thị trong kỳ thi vào lớp 10 lấy điện thoại chụp ảnh bài làm của một số thí sinh, ông Thưởng nhấn mạnh quan trọng nhất vẫn là việc lựa chọn người thực hiện nhiệm vụ trong các khâu của kỳ thi; đồng thời đề nghị Hà Nội phải sẵn sàng các phương án dự phòng, xử lý các tình huống phát sinh trong kỳ thi như: thời tiết bất thường, ngập lụt, TS hoặc cán bộ làm thi ốm đau, tai nạn bất ngờ…

Bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, khẳng định từ nay đến ngày thi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các khâu chuẩn bị cho kỳ thi. Ngày 25.6, ban chỉ đạo thi của TP sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất bất cứ điểm thi nào trên địa bàn để đảm bảo công tác chuẩn bị đã hoàn tất, đúng quy trình.

Bà Hà cho biết sẽ chỉ đạo và kiểm tra khu vực bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi. Tủ đựng đề thi sẽ phải bố trí các ngăn độc lập riêng biệt để đề thi của từng buổi, từng môn; có phương án dự phòng trong xử lý các tình huống phát sinh... "Việc bảo quản đề thi, bài thi an toàn không phải chỉ trong phòng chứa đề thi, bài thi ấy mà phải an toàn ở cả khu vực xung quanh, vòng trong, vòng ngoài", bà Hà nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.