(TNO) Nhiều công ty nghiên cứu bất động sản đưa ra dự báo tình hình thị trường bất động sản từ nay đến hết năm nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Trong bản báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM ở quý 2/2012 của mình, Công ty Knight Frank Việt Nam nhận định thị trường căn hộ vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm mặc dù có nhiều thông tin tốt như lãi suất giảm, chủ đầu tư có nhiều hình thức hỗ trợ người mua như thanh toán nhiều đợt, bù lãi suất.
Tuy nhiên, thị trường nhà phố, đất nền vẫn tiếp tục trầm lắng và giao dịch ở mảng này chỉ sôi động ở phân khúc thấp với những căn hộ, đất nền có giá khoảng 10 triệu đồng/m2.
Thị trường bất động sản Hà Nội trong quý này cũng tăng trưởng chậm, thậm chí không tăng trưởng ở hầu hết các mảng (căn hộ, căn hộ cho thuê, nhà phố, bán lẻ).
Theo Knight Frank, sự ảm đạm của thị trường khiến người mua nhà đang có tâm lý chờ đợi trước khi đưa ra quyết định. Điều này dẫn đến giá giao dịch trên thị trường thứ cấp giảm 15% - 30% so với giá ký kết hợp đồng với chủ đầu tư.
|
Còn theo Công ty Savills Việt Nam, trong quý 2/2012, nguồn cung căn hộ ở Hà Nội và TP.HCM tăng so với trước, nhưng giá bán đều giảm.
Ở Hà Nội, giá chào bán căn hộ ở thị trường thứ cấp giảm trung bình 4% - 7% so với trước. Còn ở TP.HCM, giá cháo bán căn hộ tuy có nhích lên so với quý 1/2012 nhưng giá vẫn giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng như báo cáo của Knight Frank, báo cáo của Savills cho thấy phân khúc căn hộ giá thấp (600 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng) vẫn thu hút người mua.
Trước đó, công ty chuyên về nghiên cứu, phân phối bất động sản CBRE Việt Nam cũng đã công bố tình hình thị trường bất động sản trong quý 2/2012 với những dấu hiệu không mấy khả quan. Và "sự ảm đạm" này đều đã được các công ty bất động sản dự báo từ trước.
Phía Knight Frank cho biết, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn tiếp tục nhận được nhiều nhu cầu về bất động sản tại TP.HCM. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến thị trường nhưng lại bị cản trở bởi giá chào bán không thực tế và cấu trúc sở hữu phức tạp.
Knight Frank chỉ ra tính thanh khoản của thị trường bất động sản thấp là do cả doanh nghiệp và người mua đều khó tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tài chính, nhất là từ phía ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - thừa nhận thiếu vốn là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản trầm lắng.
Thậm chí ở một số dự án, do thiếu vốn, chủ đầu tư phải chấp nhận thua lỗ khi bán rẻ hay cầm cố dự án cho ngân hàng.
Ông Adam Bury - Trưởng phòng Nghiên cứu của CBRE Việt Nam - cho biết nếu dựa theo lịch sử lạm phát của Việt Nam thì phải hết năm nay, thị trường bất động sản mới có thể hồi phục.
Trung Hiếu
>> Tín dụng đổ vào bất động sản
>> Lại kiến nghị “giải cứu” bất động sản
>> Nhiều kiến nghị giải cứu thị trường bất động sản
>> Lãi suất cho vay bất động sản giảm nhanh
>> 500.000 tỉ đồng sẽ được “bơm” vào bất động sản
>> Bất động sản đang nằm ngoài rìa chính sách
Bình luận (0)