Thị trường bất động sản năm 2023 dự báo vẫn khó

09/12/2022 17:34 GMT+7

Thị trường bất động sản TP.HCM bước vào năm 2022 với nhiều hy vọng phục hồi mạnh mẽ, mức tăng trưởng dự báo cao ở con số 8%. Tuy nhiên, những trở ngại từ nền kinh tế toàn cầu và một số yếu tố về mặt tài chính trong nước vào nửa cuối năm đã khiến thị trường có phần chững lại. Do vậy năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.

Điểm sáng bất động sản công nghiệp

Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh đánh giá Việt Nam đang ghi nhận thặng dư thương mại tích cực, đồng tiền tương đối mạnh và chỉ số CPI, lạm phát tương đối trong tầm kiểm soát so với tình hình chung trên toàn cầu. Một số nền tảng cơ bản cùng quá trình đô thị hóa ở Việt Nam với tỷ lệ 36% dân số sống ở đô thị, điều này cho thấy tiềm năng to lớn cho thị trường bất động sản trong vài năm tới.

“Chúng ta đang trong giai đoạn với những chỉ số về nhân khẩu học đáng lạc quan. Đây là động lực thúc đẩy chi tiêu trong nước, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu về nhà ở, chi tiêu bán lẻ, tăng trưởng. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong hai thập kỷ tới, dân số và lực lượng lao động sẽ tiếp tục phát triển trong khoảng thời gian đó”, ông Phan Công Chánh dự báo.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cũng cho rằng sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Tiêu biểu, trước một số khó khăn Foxconn đang gặp phải ở Trung Quốc trong thời gian gần đây, đối tác sản xuất linh kiện hàng đầu của Apple đã cam kết nhiều hơn về việc đầu tư vào Việt Nam. Samsung - nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc trong tuần vừa qua cũng tái khẳng định sẽ tăng cường đầu tư tại Việt Nam khi cam kết nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỉ USD.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm thì phân khúc bất động sản công nghiệp là điểm sáng

C.T.V

Theo ông Phan Công Chánh, những biến động trong chuỗi sản xuất thế giới sẽ còn tiếp diễn với lượng đơn đặt hàng sụt giảm. Mặc dù vậy, vấn đề này sẽ được khắc phục và sản xuất hoạt động tích cực trở lại vào nửa cuối năm 2023. Điều này giúp phân khúc bất động sản công nghiệp tại Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn trong năm 2022. Giá thuê tại TP.HCM đã chạm mức khoảng 300 USD/m2/chu kỳ thuê và tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối. Tại vùng lân cận như Long An và Bình Dương, giá thuê đã lên đến gần 180 USD/m2/chu kỳ thuê và nguồn cung có sẵn không quá nhiều và nằm xa trung tâm. Tuy nhiên, điểm đặc biệt trên thị trường hiện nay là xu hướng gia tăng sự quan tâm, xây dựng cơ chế đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như nhà kho xây sẵn, nhà xưởng xây sẵn, logistics, data centers...

Ở phân khúc văn phòng, nguồn cung văn phòng TP.HCM đến nay chỉ đạt hơn 2,5 triệu m2, rất thấp so với tiêu chuẩn của các thị trường trong khu vực như Bangkok, Jakarta và Manila... với 6 triệu m2. Do đó, dư địa tăng trưởng văn phòng còn rất lớn. Với bối cảnh khan hiếm nguồn cung hiện tại, khách thuê văn phòng diện tích lớn có thể khó tìm được mặt bằng chất lượng. Ở góc độ chủ nhà, họ đang đứng tại một trong những thị trường văn phòng hoạt động tốt nhất trên thế giới vào lúc này với tỷ lệ lấp đầy toàn thị trường đạt 93%, riêng phân khúc văn phòng hạng A là 97%. Trong tương lai, sẽ có nhiều tòa nhà văn phòng hạng A mới gia nhập thị trường trong nửa đầu năm tới với hai dự án ở Thủ Thiêm và một dự án tại quận 1.

Đối với thị trường khách sạn, năm 2022 là giai đoạn phục hồi của TP.HCM và Hà Nội nhờ lượng khách doanh nhân, chuyên gia thông qua các hoạt động MICE. Tuy nhiên về công suất thuê, hai thành phố này vẫn ghi nhận nhiều phòng khách sạn 5 sao rẻ nhất trong khu vực và sẽ cần thêm một chút thời gian để phục hồi.

Kỳ vọng vốn nước ngoài

Chia sẻ trong sự kiện “2023: A Market Outlook” do BritCham" tổ chức ngày 7.12 vừa qua tại TP.HCM, ông Neil MacGregor nhìn nhận đây là thời điểm khó khăn với các chủ đầu tư trong nước khi niềm tin của người mua nhà đang giảm, những vướng mắc về khung pháp lý là nỗi đau đầu lớn với các chủ đầu tư. Trong khi đó nguồn vốn khan hiếm do siết tín dụng kéo theo tính thanh khoản sụt giảm. Đồng thời chi phí xây dựng tăng lên đã không còn là môi trường kinh doanh lý tưởng với các doanh nghiệp.

Cho đến khi những vấn đề về khung pháp lý được cải thiện, thị trường sẽ chứng kiến một số hệ quả chính như: quá trình xây dựng bị gián đoạn do thiếu vốn xây dựng, kéo theo doanh số bán sụt giảm. Vấn đề này sẽ kéo dài cho đến khi các chủ đầu tư có thể cung cấp các sản phẩm mới cho thị trường, đặc biệt là căn hộ trung cấp và bình dân.

“Tuy nhiên, nhìn về phía trước, chúng tôi đang thấy rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nói chung. Các nhà đầu tư vẫn liên tục nhận được sự quan tâm trên tất cả các phân khúc của thị trường và xu hướng này sẽ được duy trì. Điều đó cũng được phản ánh trong kết quả thu hút FDI trong năm 2022”, ông Neil MacGregor nói.

Thị trường bất động sản đang kỳ vọng vào vốn ngoại

ĐÌNH SƠN

Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, ngành bất động sản tiếp tục là một phần quan trọng trong các thương vụ M&A năm 2022. Rất nhiều các thương vụ M&A trong số đó là của các nhà đầu tư Việt Nam. Nhưng cũng có những giao dịch quan trọng diễn ra giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong bối cảnh tín dụng hạn chế và thiếu vốn trên thị trường trong nước, các chuyên gia hy vọng sẽ thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như vốn nước ngoài vào thị trường trong năm 2023.

Một trong những xu hướng nổi bật là các nhà bán lẻ quốc tế vẫn có niềm tin rất lớn vào thị trường Việt Nam. Một số thương hiệu xa xỉ và cao cấp mới như Berluti, Cartier, Victoria’s Secret, Urban Revivo… đang bước vào thị trường. Trong khi đó các chuỗi bán lẻ lớn như Uniqlo, Muji, Haidilao, Emart, Central Group… cũng đẩy mạnh quá trình mở rộng tại Việt Nam.

Với phân khúc bất động sản nhà ở, nguồn cung hạn chế tại TP.HCM và hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối đang được phát triển tích cực sẽ là động lực lớn cho các thị trường bất động sản lân cận đưa ra các dự án với mức giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.