Khan hiếm nguồn cung, giá "neo" cao
Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội dự kiến sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1.7 đối với ba bộ luật là luật Đất đai 2024, luật Nhà ở 2023, luật Kinh doanh bất động sản 2023. Đồng thời dự kiến Quốc hội cũng sẽ xem xét hai dự thảo nghị quyết thí điểm của Quốc hội gồm Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với đối tượng thí điểm là các dự án đầu tư công nhóm B, C.
Để bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho phép áp dụng sớm ba bộ luật trên thì các bộ, ngành đang nỗ lực hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành hơn 20 nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan để cùng có hiệu lực thi hành đồng bộ với các luật.
Theo ông Lê Hoàng Châu, tình hình thị trường bất động sản TP.HCM trong giai đoạn 2017 - 2023 và quý 1/2024 thì bốn năm 2020 - 2023 là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản do tác động của đại dịch Covid-19 và các xung đột lợi ích giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị ở một số khu vực làm tăng nguy cơ lạm phát, giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đến quý 1/2024 thị trường bất động sản TP.HCM đã "khởi sắc" hơn nhưng đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung khi chỉ có một dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, với diện tích 3.647,4m2 và chỉ có một dự án nhà ở thương mại (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ, không có dự án nhà ở thương mại nào đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Thị trường chung cư phía Nam phục hồi chậm
Trong quý 1/2024 cũng không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng, chỉ có một dự án nhà ở xã hội (dự án cũ) đã hoàn thành với 242 căn hộ.
Do vậy, từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối cung - cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc neo giá cao, nhất là vẫn lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội.
Hai kịch bản cho thị trường bất động sản
Ông Lê Hoàng Châu dự báo, thị trường bất động sản trong giai đoạn tới sẽ có hai kịch bản. Đầu tiên để thị trường phục hồi cần được "tiếp sức" bằng việc ba đạo luật cùng hai dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội nêu trên phải được thông qua sớm. Đồng thời với việc Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư và vừa có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.
Trường hợp thứ hai, nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm các luật trên thì sẽ có tác động làm chậm tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản, chậm thêm khoảng 6 tháng và nếu Quốc hội không thông qua dự thảo hai nghị quyết thì sẽ có khoảng 15% trong tổng số các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đang có đất khác không phải là đất ở không được công nhận chủ đầu tư. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản tiếp tục thiếu hụt nguồn cung và tiếp tục tình trạng lệch pha cung cầu, thiếu nguồn cung nhà ở vừa túi tiền và tiếp tục tình trạng giá nhà bị đẩy lên cao hoặc "neo" giá cao, tác động bất lợi đến mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Người đứng đầu HoREA nhận định, tình hình thị trường bất động sản bị khủng hoảng bong bóng, đóng băng, suy thoái, khó khăn trong các năm qua làm cho nhiều doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư gặp khó khăn, bị thiệt hại, thua lỗ rất lớn. Thậm chí có một số doanh nghiệp bị phá sản. Nhưng xét về mặt chủ quan thì có phần trách nhiệm của không ít doanh nghiệp bất động sản và cả một bộ phận của lực lượng môi giới, nhà đầu tư "lướt sóng", đầu nậu, không phải vô can.
Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với tình hình diễn biến, biến động của thị trường bất động sản trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật và những mặt yếu kém trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp. Trong đó tập trung quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh, huy động, sử dụng vốn, để rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, "nhớ đời", để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực tự thân để vượt qua khó khăn và xây dựng "Văn hóa kinh doanh, tinh thần doanh nghiệp" luôn đặt lợi ích chung của đất nước, cộng đồng xã hội và khách hàng lên trên hết, trước hết, vừa đạt được hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận, vừa đảm bảo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa người dân, doanh nghiệp.
"Vùng đáy, khó khăn của thị trường bất động sản rơi vào quý 1/2023 bởi lẽ đến hết quý 1/2023, thị trường bất động sản rơi xuống mức tăng trưởng âm sâu nhất là âm 16,2%. Nhưng kể từ quý 2/2023 thì mức độ khó khăn giảm dần và từng bước phục hồi. Dự báo sẽ phục hồi rõ nét vào cuối năm 2024 và trở lại bình thường vào khoảng giữa năm 2025 trở đi do độ trễ của chính sách và do độ trễ của quy trình thủ tục đầu tư xây dựng, triển khai thực hiện có tính đặc thù của các dự án bất động sản", ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Bình luận (0)