Thị trường bất động sản vẫn thiếu minh bạch

17/10/2018 21:14 GMT+7

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Quốc hội nêu rõ, thị trường bất động sản thời gian qua vẫn thiếu minh bạch từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản .

Giới đầu cơ đẩy giá đất lên cao, làm bất ổn thị trường
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khá lớn. Tính đến hết ngày 20.8, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.692 tỉ đồng, chủ yếu tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ và còn thiếu các dịch vụ thiết yếu, không bán được hàng.
Về nguồn cung nhà ở, Bộ này cho hay cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM, còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này lớn và đa dạng. Trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Đáng chú ý, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, sắp xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị ... để đẩy giá lên cao thu lợi, làm bất ổn thị trường.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực. Thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Nguồn cung bất động sản vẫn mất cân đối, thừa hàng cao cấp, thiếu hàng bình dân Ảnh Lê Quân
Hệ thống thông tin về tình hình thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu bất động sản, giao dịch bất động sản đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản. 
Ngăn chặn hành vi trục lợi, tham nhũng
Về giải pháp thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống công cụ để quản lý, kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng ổn định, bền vững, có cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ, kết nối liên thông với các thị trường khác của nền kinh tế; chủ động xây dựng các kịch bản và các giải pháp để điều tiết, kiểm soát, bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung luật Đầu tư, luật Đất đai và các luật liên quan theo hướng tăng cường vai trò trách nhiệm của các địa phương đối với việc quy hoạch, cấp phép đầu tư và tiến độ xây dựng các dự án bất động sản.
Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc cấp tín dụng trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản của hệ thống ngân hàng thương mại đối với các dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án bất động sản lớn và các chủ đầu tư bất động sản lớn có nhiều dự án nhằm nắm bắt tình hình dư nợ và kịp thời có các giải pháp phòng chống những rủi ro cho hệ thống ngân hàng. 
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản. Thanh, kiểm tra và công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm tiến độ, chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng.. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.