Khảo sát trên thị trường Hà Nội ngày 6.2 (tức 21 tháng Chạp) các mặt hàng vàng mã phục vụ lễ ông Công, ông Táo như: Bộ Táo quân, thần linh, cá chép giấy, tiền, vàng, hương, nến…bày bán nhiều tại các chợ dân sinh, chợ "cóc", hàng rong…Tuy nhiên, sức mua kém tấp nập hơn.
Năm nay, mẫu mã các mặt hàng đồ cúng không có nhiều thay đổi, giá cả tương đương năm ngoái nhưng có nhiều chủng loại đáp ứng nhu cầu mọi tầng lớp nhân dân. Mặt hàng bán chạy nhất vẫn là bộ cúng quan thần linh, táo quân. giá bộ vàng mã bình dân (gồm: mũ, hài, cá chép) tại các chợ, hàng rong dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/bộ loại cỡ nhỏ; cỡ trung giá 60.000-70.000 đồng/bộ; cỡ đại 100.000 -120.000 đồng/bộ. Ngoài ra, trên chợ Hàng Bè, phố Hàng Mã còn bán bộ vàng mã cao cấp từ giấy màu nhập ngoại, đính kim sa, kim tuyến giá từ 200.000 -300.000 đồng/bộ. Đồ lễ đi kèm với bộ Táo quân là tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá từ 30.000 đồng/vật phẩm; bộ tiền vàng giá từ 10.000 đến 20.000 đồng/tập tùy loại; lá ngọc cành vàng phun nhũ cắm trên bàn thờ giá 200.000-500,000 đồng/bộ…
Theo những người bán hàng, những mặt hàng nhập về từ làng nghề Đông Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và Duyên Hà, Văn Hội (huyện Thường Tín. Hà Nội).
Chị Huyền, bán vàng mã hàng rong trên chợ Hàng Bè, cho biết, từ sau Rằm tháng Chạp mọi người bắt đầu đi sắm đồ lễ ông cúng ông Công, ông Táo. Mặc dù giá cả ổn định, đa dạng chủng loại nhưng so với mọi năm sức mua chậm hơn. “Tôi bán hàng từ 7 giờ sáng đến trưa, đi vòng quanh Hồ Gươm, qua các phố cổ mà cũng chỉ được 5 bộ. Chẳng bù cho năm ngoái, năm kia, đến sát ngày 23 tháng Chạp đồ lễ “cháy” không có mà bán. Hàng thì đã nhập về rồi, còn 2 ngày nữa không biết thế nào”, chị Huyền nói..
tin liên quan
Chợ cá lớn nhất Hà Nội vào vụ “ông Công, ông Táo”Ngoài những mặt hàng quen thuộc, trên phố Hàng Mã còn bày bán nhiều đồ lễ phục vụ các gia đình như: quần áo từ 10.000 đến 20.000 đồng/bộ; ngựa từ 25.000 đến 100.000 đồng/con tùy loại to, nhỏ; nhà biệt thự cao tầng, ô tô Lexus, các loại xe tay ga, ti vi, tủ lạnh, iphone… có từ 300.000 đồng – hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, rất ít người mua nên các cửa hàng không nhập về nhiều.
Bà Ngô Nguyệt Nga, bán vàng mã ở phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, theo thông lệ, người dân bắt đầu đi mua đồ cúng ông Công, ông Táo rải rác từ sau Rằm tháng Chạp. Trung bình mỗi ngày cửa hàng của bà bán được 20 bộ. So với năm trước, thời điểm này đồ lễ bán chậm hơn.
Theo bà Nga, xu hướng khách hàng mua đồ lễ năm nay cũng ít nhiều có sự thay đổi. Trước đây khách hàng thường mua tập trung vào các ngày cao điểm từ 21-23 tháng Chạp, chọn đồ đắt tiền. Bây giờ, đa phần khách hàng thường chọn bộ lễ ở mức giá bình dân từ 100.000 -150.000 đồng/bộ (trọn gói). Những bộ đắt, làm đẹp cầu kỳ bán rất chậm chỉ phục vụ một số ít gia đình có điều kiện. “Tôi chủ yếu bán cho khách quen là chính, còn khách vãng lai hầu như chỉ đi qua ngắm, chụp ảnh chứ không mua. Năm nay, có thể do tâm lý sợ mua cận ngày đông khách, “cháy” hàng nên khách hàng mua rải rác từ sớm. Hàng ế một phần do năm nay trời rét đậm, người dân ngại lên phố, sợ ngày Tết tắc đường, trong khi những người bán hàng rong bán tận các ngõ ngách”, bà Nga chia sẻ.
Bên cạnh những món đồ lễ thông thường, giá cá chép vàng, chép đỏ tại chợ bán dao động từ 10.000 đến 30.000 đồng/con. Các loại trái cây, đồ lễ cúng ông Công, ông Táo chuối, phật thủ, xôi, gà tăng nhẹ so với ngày thường. Trong đó, chuối xanh 30.000-50.000 đồng/nải; phật thủ 25.000-70.000 đồng/quả; xôi gấc, đỗ xanh 30.000-50.000 đồng/đĩa; gà cúng ngậm hoa hồng 300.000-350.000 đồng/con…
|
Bình luận (0)