Thị trường lao động cần tay nghề cao

27/01/2012 01:19 GMT+7

Thị trường lao động TP.HCM trong năm 2012 được dự báo vẫn còn nhiều biến động do tình hình khó khăn về sản xuất kinh doanh và hạn chế nguồn vốn.

 
May mặc sẽ là ngành tiếp tục thu hút nhiều lao động trong năm 2012 - Ảnh: Diệp Đức Minh 

Giảm sôi động về số lượng

Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự kiến TP.HCM năm 2012 có 265.000 chỗ làm việc, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới, nhu cầu lao động nữ chiếm 57,7% trong tổng số nhu cầu. Theo cơ cấu tuyển dụng về trình độ nghề, nhu cầu tuyển dụng công nhân, lao động trực tiếp sản xuất chiếm trên 60% tổng số chỗ làm việc, trong đó công nhân kỹ thuật lành nghề, sơ cấp nghề, trung cấp nghề chiếm tỷ lệ trên 40% tổng số công nhân cần tuyển.

Riêng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP, nhu cầu tuyển dụng trong năm 2012 là 30.000 chỗ làm việc, với các nhóm ngành nghề: điện - điện tử (18%), dệt - may (18%), dịch vụ (16%), cơ khí (13%), chế biến thực phẩm - hải sản (8%), công nghệ thông tin (5%), mộc - bao bì (4%), hóa - dược (3%) và ngành nghề khác (15%). Một số ngành nghề nguồn cung nhân lực tiếp tục tăng nhanh so với nguồn cầu nhân lực trong năm 2012 như: quản lý điều hành, kế toán, hành chánh văn phòng, kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu, tin học, quản trị kinh doanh.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động sẽ giảm sự sôi động về số lượng và theo chiều hướng nâng cao chất lượng với một nghịch lý đang tồn tại, đó là nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông lương thấp.

Vẫn thiếu nhân sự cao cấp

Trong những năm qua, mặc dù nguồn nhân lực của nước ta rất dồi dào, nhưng tình trạng thiếu hụt nhân sự có trình độ, kỹ năng làm việc và có khả năng nắm giữ các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp vẫn đang diễn ra. Gần đây, chất lượng nguồn nhân lực đã có những cải thiện đáng kể. Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search (chuyên về nhân sự cao cấp), nếu như trước đây, những vị trí chủ chốt ở các công ty lớn hay các tập đoàn đa quốc gia như: giám đốc điều hành (CEO), giám đốc tài chính (CFO), giám đốc công nghệ thông tin (CIO)... thường do người nước ngoài đảm nhận, thì trong vòng 3 năm trở lại đây, những vị trí này đã dần được thay thế bởi nhân sự là người Việt.

“Việt Nam vẫn còn đang tồn tại một khoảng cách trong cung - cầu nhân sự cao cấp. Tỷ lệ thất nghiệp đối với những nhân sự này gần như bằng 0% và nó sẽ không thay đổi nhiều trong thời gian sắp tới”, bà Vân Anh nhìn nhận.

10 nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực nhiều nhất trong năm 2012 tại TP.HCM

STT

Tên ngành nghề

Cơ cấu

nhu cầu (%)

1

Marketing - kinh doanh - bán hàng

21,47

2

Dệt - may - giày da

15,85

3

Du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ

13,28

4

Công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông

7,36

5

Tài chính - kế toán - kiểm toán

5,48

6

Cơ khí - luyện kim - công nghệ ô tô

4,99

7

Xây dựng - kiến trúc - giao thông vận tải

4,19

8

Quản lý - hành chính - giáo dục - đào tạo

3,59

9

Điện - điện công nghiệp - điện lạnh

2,38

10

Hóa - chế biến lương thực thực phẩm - quản trị chất lượng

2,26

(Nguồn: Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.