Cả buổi chợ mới bán được mấy ký
Hơn 10 giờ sáng, các sạp bán thịt lợn quanh chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) vẫn còn đầy ắp. Những miếng thịt vẫn tươi ngon nhưng không mấy khách đi chợ để mắt tới. Ngay cả chủ sạp cũng ngồi thờ ơ không màng tới việc mời chào khách. Một chủ hàng thở dài cho biết, gần hết buổi chợ mà bà vẫn không bán được gì dù tổng cộng chỉ có năm bảy ký thịt. "Bữa nay giá giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đùi còn có 82.000 đồng/kg, nạc dăm 70.000 đồng/kg, cốt lết 76.000 đồng/kg. Người ta nghe thành phố mình có dịch nên đã sợ lại càng sợ hơn. May mà hôm nay đã lấy ít lại so với mấy ngày trước. Giờ tình hình chung rồi, cả chợ này giờ có buôn bán được mấy đâu mà nghề nghiệp nên phải ráng ra đây ngồi chờ thời thôi", bà chép miệng.
Các chợ ở gần khu trung tâm như Bàn Cờ, Vườn Chuối (Q.3) hay Thái Bình (Q.1) cũng trong tình trạng tương tự. Tháng trước, việc phát hiện dịch ở Đồng Nai đã tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng ở TP.HCM. Chị chủ hàng ở chợ Thái Bình buông thõng: “Có bán được gì đâu mà hỏi em ơi. Tháng trước giảm 4 - 5 phần thì hôm nay giảm thêm 2 - 3 phần nữa. Cả ngày bán chỉ được vài ba chục ký thịt chủ yếu nhờ khách quen lâu năm còn tin tưởng mua ủng hộ. Ăn thịt lợn ế riết ngán quá trời luôn rồi”.
Theo quan sát của chúng tôi tại một số siêu thị lớn, lượng khách hàng lựa chọn sản phẩm thịt lợn cũng không nhiều, đa số chọn sản phẩm thay thế. Giá nhiều mặt hàng như thịt bò, thịt gia cầm, cá, trứng... tiếp tục tăng bình quân khoảng 10% so với tháng trước. Đại diện một hệ thống siêu thị lớn ở VN thừa nhận, sức tiêu thụ thịt lợn khoảng 40 - 50 tấn/ngày, giảm khá mạnh. Trên thực tế, khi các ổ dịch được phát hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy và xử lý khoanh vùng với bán kính 3 km không được vận chuyển lợn ra vào. Bên cạnh đó, sản phẩm thịt lợn giết mổ cũng được tăng cường kiểm tra thú y để đảm bảo an toàn sạch bệnh. Các cơ quan chức năng cũng khẳng định, vi rút dịch tả lợn châu Phi không lây qua người. Thế nhưng tâm lý vẫn khiến sức mua thịt lợn giảm mạnh.
Giá cả khó lường
Anh N.N.Hùng, chủ một trại lợn ở H.Củ Chi, cho biết: “Mấy ngày trước thấy nhiều nơi tăng giá 38.000 - 40.000 đồng/kg nhưng ở đây thương lái chỉ thu mua giá 34.000 đồng/kg. Còn hôm nay họ nghỉ”.
Dù các ngành chức năng đẩy mạnh phòng chống dịch nhưng đến nay đã có tới 54/63 tỉnh thành phát hiện có dịch tả lợn châu Phi. Cá biệt như An Giang công bố dịch trên toàn tỉnh, một số địa phương khác vẫn còn tình trạng phát hiện xác lợn chết ở ngoài môi trường. Chính điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Trong một báo cáo mới đây, Rabobank (định chế tài chính của Hà Lan chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm) dự báo: Lượng thịt lợn của VN năm 2019 giảm ít nhất 10%, tiêu dùng thịt lợn tính theo đầu người cũng sẽ giảm tới 7%. Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, VN phải tăng nhập khẩu thịt các loại.
Cũng theo Rabobank, nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới là Trung Quốc, tổng đàn đã bị thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi đến trên 22%, sản lượng thịt cả năm có thể giảm đến 30%. Nhu cầu của Trung Quốc đã đẩy giá thịt lợn thế giới tăng 3% trong 4 tháng đầu năm nay. Mới đây, Bộ NN-PTNT dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Thịt Trung Quốc cho biết: Nước này sẽ tăng cường nhập khẩu thịt các loại, thậm chí dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt động vật từ một số nước lân cận. Các chuyên gia và nhiều nhà chăn nuôi thừa nhận, không ai nghĩ rằng tuần trước ở một số nơi giá lợn lại tăng và tăng mạnh lên mức trên 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cung cầu và giá cả thị trường sắp tới như thế nào rất khó nói trước vì còn tùy thuộc khả năng kiểm soát dịch của VN. Bên cạnh đó, trong thời gian tới thị trường Trung Quốc có thể tác động đến tâm lý của các nhà sản xuất lợn lớn ở VN. Ngoài ra, lượng thịt lợn và các loại thịt nhập khẩu khác cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá cả và tâm lý của người tiêu dùng VN.
Bình luận (0)