Thị trường vận tải biển gặp khó

20/04/2023 16:59 GMT+7

Dù cảng biển và dịch vụ hàng hải vẫn còn triển vọng, song nguồn thu chính của VIMC từ khối vận tải biển đã sụt giảm.

Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 sáng 20.4, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), cho biết năm 2023 kế hoạch doanh thu hợp nhất 13.354 tỉ đồng (bằng 87% so với năm 2022), lợi nhuận trước thuế 2.330 tỉ đồng (bằng 76% so với thực hiện năm 2022). Đáng chú ý, nguồn thu chính của VIMC từ khối vận tải biển đã sụt giảm.

Thị trường vận tải biển gặp khó - Ảnh 1.

Năm 2023 dự kiến doanh thu từ thị trường vận tải biển sẽ gặp khó do tác động từ thị trường thế giới

VIMC

Trong đó, doanh thu dự kiến giảm mạnh ở khối vận tải biển (giảm 1.671 tỉ đồng) do thị trường vận tải biển năm 2023 sẽ rất khó khăn, nhu cầu vận chuyển giảm, lượng tàu đóng mới xuất xưởng nhiều.

Lợi nhuận khối cảng biển và dịch vụ hàng hải dự kiến có sự tăng trưởng so với năm 2022. Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 giảm chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường vận tải biển dự kiến gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chính do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia làm tăng gánh nặng lên nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, nguồn cung tàu tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thị trường vận tải tàu hàng rời và tàu container dẫn đến dư thừa; biến động mạnh về giá dầu trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn như hiện nay làm tăng chi phí hoạt động khai thác tàu, tác động mạnh mẽ tới doanh thu, lợi nhuận trong năm 2023…

Khối cảng biển đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi nhiều địa phương và doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án đầu tư và xây dựng cảng biển để hoàn thiện và mở rộng hoạt động.

Trong khi đó, nguồn hàng có nguy cơ suy giảm sau 1 năm bùng nổ do nhiều yếu tố (dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, chính sách…).

Các trung tâm logistics, cảng cạn (ICD) mới tại các địa phương tiếp tục được triển khai đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động tạo ra chuỗi dịch vụ trọn gói khiến VIMC mất nhiều thị phần.

Trong năm 2023, VIMC sẽ tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả bền vững, ưu tiên với các dự án trọng điểm như đảm bảo tiến độ bến 3, 4 Lạch Huyện, hoàn thành tiến độ các thủ tục cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), phát triển đội tàu container...

Nâng cao các dự báo biến động về kinh tế vĩ mô

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tập trung hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics; phát triển hệ sinh thái tích hợp, kết nối hoạt động cảng biển vận tải biển dịch vụ logistics trên nền tảng công nghệ số.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lưu ý kinh tế tiếp tục chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế phức tạp gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, sản xuất.

Vì vậy, ông Cảnh đề nghị VIMC cần nâng cao các dự báo biến động về kinh tế vĩ mô để xây dựng chỉ tiêu sát hơn so với thực tiễn, bù đắp những sự sụt giảm bằng các chương trình cụ thể như giảm chi phí, tăng thị phần. Doanh nghiệp cũng cần tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp và nhà nước.

Dự kiến đến năm 2025, VIMC có tổng số 40 tàu, tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn. Trong đó, đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 tấn DWT (13.000 - 16.000 TEU), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam.

VIMC sẽ phát triển hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn; nghiên cứu đầu tư các cơ sở hạ tầng cảng biển tại các vị trí mới, tập trung phát triển hệ thống cảng ở các khu vực trọng điểm như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp, mở rộng đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu (thiết bị, công nghệ thông tin) nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.