Thị trường xăng dầu ‘đa tầng nấc’, đẩy chi phí cộng vào giá bán lẻ

06/11/2022 07:18 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công thương trong phần trả lời đại biểu Quốc hội sáng nay (5.11) đã thừa nhận hệ thống kinh doanh xăng dầu “đa tầng nấc và rất rối”, dẫn đến tăng chi phí, cộng vào giá bán lẻ…

Số doanh nghiệp đầu mối, phân phối “trăm hoa đua nở”

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định việc cấp giấy phép kiểu "trăm hoa đua nở" này có từ trước. Từ khi ông nhận nhiệm vụ đến nay, đã “không cấp thêm và chỉ cấp đổi giấy phép” cho những doanh nghiệp đã hoạt động trước đó. Trong thời gian tới, Bộ Công thương hứa hướng sửa đổi là sắp xếp lại hệ thống, tính toán để không cần nhiều quá nhiều đầu mối...

Khâu trung gian mà Bộ trưởng đề cập trong hệ thống kinh doanh xăng dầu chính là đội ngũ thương nhân phân phối hùng hậu, không có chức năng nhập khẩu hoặc lấy hàng từ nhà máy lọc dầu trong nước. Vào mỗi buổi sáng, các doanh nghiệp đầu mối chào chiết khấu, doanh nghiệp phân phối sẽ rảo một vòng như đi chợ, đầu mối nào có chiết khấu thấp sẽ mua và đưa về bán lại cho các cửa hàng xăng dầu. Nếu lấy hàng từ đầu mối, cây xăng phải thanh toán ngay, nhưng qua doanh nghiệp phân phối, cây xăng có thể trả chậm và chiết khấu sẽ thấp hơn.

Thế nên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ có tài chính mỏng thường chọn lấy hàng qua nhà phân phối. Theo quy định, thương nhân phân phối được lấy hàng từ nhiều đầu mối, phải có kho, có dự trữ và đội xe. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhiều doanh nghiệp làm hợp đồng thuê kho tượng trưng, khi mua xong hàng, họ chở từ cảng về đầu mối rồi về cây xăng luôn, doanh nghiệp chỉ ở giữa để ăn chênh lệch.

Thực tế, từ ngày Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp xăng dầu đầu mối và thương nhân phân phối tăng “trăm hoa đua nở”. Trong danh sách các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đăng trên website của Bộ Công thương, con số được ghi nhận đến ngày 5.11.2022 là 38 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay.

Trong khi cuối tháng 10 vừa qua, khi Bộ Công thương tăng phân bổ hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho quý 4/2022, có 33 doanh nghiệp đầu mối được nhận nhiệm vụ bổ sung nhập khẩu với tổng 5,5 triệu m3. Trước đó, trong quý 2, chỉ có 10 doanh nghiệp đầu mối được giao nhập bổ sung 2,4 triệu khối.

Cả nước hiện có 38 doanh nghiệp đầu mối và hơn 300 thương nhân phân phối xăng dầu

CHÍ NHÂN

Năm 2015, 14 tháng sau khi Nghị định 83 có hiệu lực (Nghị định 83/2014 có hiệu lực từ ngày 1.11.2014), lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước ước đạt 17 - 17,5 triệu m3 các loại, tăng khoảng 12 - 15% so với năm 2014. Tổng kết năm 2015, số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu của cả nước tăng lên 23 doanh nghiệp (cấp phép mới 5 doanh nghiệp và 1 doanh nghiệp rời khỏi thị trường), 69 thương nhân phân phối. Tại thời điểm đó, lãnh đạo Bộ Công thương đánh giá: Nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước đã được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, không xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu trong bất kỳ thời điểm nào.

Thế nhưng, đến năm 2022, ước lượng tiêu thụ 20,6 triệu m3, tăng khoảng 3 triệu m3 (tương đương khoảng 17%) so với 7 năm trước, nhưng số doanh nghiệp đầu mối lên đến 38 doanh nghiệp, tăng hơn 50%. Đặc biệt, số doanh nghiệp phân phối vọt 332 thương nhân, tăng hơn 350%.

“Dọn dẹp” bớt khâu trung gian

Từ cuối năm 2020, cả Bộ Tài chính và Bộ Công an trong phần góp ý dự thảo Nghị định 83 sửa đổi, bổ sung (sau này là Nghị định 95/2021), đều cảnh báo về nguy cơ phát triển nóng, “trăm hoa đua nở” số lượng đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng

Bộ Công an cho rằng, nên quy định theo hướng chỉ cấp phép cho doanh nghiệp, không cấp cho cá nhân kinh doanh độc lập do số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam hiện nay đã quá cao, cao gần gấp 10 lần so với các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu, có quy định kiểm soát số lượng các thương nhân đầu mối xăng dầu để không phát triển nóng.

Thực tế, việc bỏ tầng nấc trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu đã được nhiều chuyên gia góp ý trước đây. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: Không chỉ với ngành xăng dầu, bất kỳ ngành hàng nào mà khâu trung gian quá nhiều thì đều ảnh hưởng đến giá bán ra, thiệt hại cho người tiêu dùng. Trung gian càng nhiều, giá thành bán ra càng lớn.

Ví dụ hàng vào siêu thị, chiết khấu lên đến 20 - 30%, bên cạnh đó là khâu thu mua, thương lái, doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị… khiến giá bó rau tại ruộng 5.000 đồng, vào đến siêu thị lên 20.000 đồng. Thị trường xăng dầu muốn bình ổn, phải rà soát hoạt động doanh nghiệp đầu mối, thương nhân bán buôn, phân phối, sàng lọc giữ doanh nghiệp tuân thủ quy định trong nhập khẩu, phân phối về kho lưu trữ, hệ thống cửa hàng... Ở các nước chỉ có 5 đầu mối bán buôn, trong khi ở Việt Nam có đến 38 doanh nghiệp nhập khẩu, sau đó lại qua hơn 300 thương nhân phân phối, rồi đại lý tổng. Do vậy, ông Phú đề nghị cần cắt bỏ khâu trung gian để giảm chi phí.

Bên cạnh đó, những vấn đề như đã bàn trước đây, tăng dự trữ lên 3 - 6 tháng; cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường xăng dầu và với liên doanh chúng ta vẫn giữ vai trò chi phối, tức là trên 50%; để doanh nghiệp nhập khẩu, bán lẻ cạnh tranh và tự quyết định giá theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”, chiết khấu tự thoả thuận. Nhà nước chỉ quản lý khâu chất lượng, quản lý buôn lậu, gian lận thương mại.

Chính doanh nghiệp bán lẻ sẽ tự quyết định việc điều chỉnh giá theo thị trường và biết cách tính toán chi phí cho từng giọt xăng dầu của mình. Ngoài ra, cũng có thể có những khung giá cần thiết khi có biến động đột biến như thời gian vừa qua. "Các đại biểu Quốc hội cho rằng phải có một thị trường kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam. Điều đó cần có một đề án khoa học nghiên cứu rõ ràng và theo tôi hết năm 2023, đầu năm 2024, đề án này nên được áp dụng, cho cả cấp quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người tiêu dùng. Chúng ta cần làm quen dần với cơ chế thị trường đúng nghĩa của nó!”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

DANH SÁCH DOANH NGHIỆP XĂNG DẦU ĐẦU MỐI (nguồn: Bộ Công thương)

1 Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
2

Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM

3 Tổng công ty Dầu Việt Nam
4 Công ty TNHH MTV - Tổng công ty xăng dầu Quân đội
5 Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp
6 Công ty TNHH MTV nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec)
7 Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP
8 Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex
9 Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội
10 Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà
11 Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương
12 Công ty cổ phần xăng dầu và dịch vụ hàng hải STS
13 Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu
14 Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát
15 Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh
16 Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV
17 Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Long Hưng
18 Công ty TNHH Hải Linh
19 Công ty TNHH xăng dầu Hồng Đức
20 Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức
21 Công ty cổ phần tập đoàn Dương Đông
22 Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil
23 Công ty TNHH Petro Bình Minh
24 Công ty cổ phần đầu tư Nam Phúc
25 Công ty cổ phần vật tư xăng dầu Hải Dương
26 Công ty cổ phần XNK xăng dầu Tín Nghĩa
27 Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P
28 Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu
29 Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư phát triển Trường An
30 Công ty cổ phần Anh Phát Petro
31 Công ty cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh
32 Công ty cổ phần Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất (chỉ kinh doanh nhiên liệu bay)
33 Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm
34 Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam
35 Công ty TNHH Trung Linh Phát
36 Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh
37

Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro

38 Công ty cổ phần Tập đoàn nhiên liệu hàng không Đông Dương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.