Những năm gần đây, thi tuyển vào lớp 10 công lập của Hà Nội, ngoài 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ còn thi thêm môn thứ tư chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3 hàng năm. Môn thứ tư được chọn là một trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Việc thi môn thứ tư theo cách trên là không cần thiết, kể từ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Từ năm học 2022 - 2023, lớp 10 bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bước sang giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ngoài 8 môn bắt buộc, học sinh THPT được chọn để học 4 trong 9 môn, gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc.
Do đó, có những môn trong 6 môn chọn để thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội học sinh sẽ không học ở THPT. Tuyển sinh đầu vào một cấp học định hướng nghề nghiệp như cách trước đây của Hà Nội không còn phù hợp. Thi tuyển vào lớp 10 công lập với 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ như TP.HCM và một số tỉnh khác là phù hợp.
Có ý kiến đặt vấn đề rằng, dịch Covid-19 đã bị đẩy lùi, học sinh trở lại trường học bình thường, Hà Nội có nên thi tuyển sinh vào lớp 10 với môn thứ tư hay không?
Tuy nhiên, tôi cho rằng ở đây vấn đề cần làm rõ là việc không nên thi môn thứ tư là để phù hợp với chương trình GDPT mới, chứ không phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh.
Từ năm học 2022 - 2023, lớp 10 THPT bước sang giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Điều thông thường, hợp lý của các kỳ thi đó là: thi tốt nghiệp (đầu ra) thì đã học gì thi nấy, thi tuyển sinh (đầu vào) thì sẽ học gì thi nấy. Thi tuyển vào lớp 10 thuộc loại thứ 2, do đó căn cứ vào các môn học mà tất cả học sinh THPT sẽ học để chọn môn thi cho phù hợp.
Theo so sánh của Bộ GD-ĐT giữa chương trình GDPT 2006 và 2018 cho thấy, về nội dung và thời lượng giáo dục, thay đổi nhiều nhất là ở cấp THPT.
Cụ thể, ở chương trình năm 2006, cấp THPT có 13 môn học bắt buộc (ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; lịch sử; địa lý; vật lý; hóa học; sinh học; giáo dục công dân; giáo dục quốc phòng và an ninh; công nghệ; tin học; giáo dục thể chất); hoạt động giáo dục bắt buộc (hoạt động giáo dục tập thể, ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp); ngoài ra còn có môn học tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục là 35 tuần/1 năm học và 29,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Tuy nhiên, ở chương trình GDPT 2018, cấp THPT chỉ có 6 môn học bắt buộc (ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; lịch sử).
Mỗi học sinh phải chọn 4/9 môn học lựa chọn (địa lý; giáo dục kinh tế và pháp luật; vật lý; hóa học; sinh học; công nghệ; tin học; âm nhạc; mỹ thuật); 1 hoạt động giáo dục bắt buộc (hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); nội dung giáo dục của địa phương; ngoài ra còn có môn học tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục là 35 tuần/1 năm học và 28,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Bình luận (0)