Thích nghi với Chỉ thị 16: Tự cắt tóc tại nhà, chồng run vợ cũng run

12/07/2021 17:11 GMT+7

Vì quá bức bối với mái tóc ngày càng dài, nhiều bạn trẻ mua kéo, tông đơ về nhà nhờ người thân hoặc tự cắt tóc cho mình trong bối cảnh Chỉ thị 16 được áp dụng.

Suốt thời gian dài từ khi TP.HCM thực thi Chỉ thị 15, 10 rồi đến 16, tiệm cắt tóc phải đóng cửa khiến nhiều người không thể cắt mái tóc dài của mình. “Trong cái khó ló cái khôn”, nhiều bạn trẻ đã tìm tòi, tự học cắt hoặc nhờ người thân cắt tóc cho mình.

Coi như làm “chuột bạch” một lần

Từ đó có những chuyện bi hài về lần tự cắt tóc đầu tiên trong đời của mình. Vì tóc ngày càng dài, quá nóng nực nên Đoàn Minh Chí (31 tuổi, ngụ chung cư Hoà Bình, P.14, Q.10) quyết định mua dụng cụ cắt tóc về nhà.
Chí kể, trước ngày áp dụng chỉ thị 16, khi việc đi lại vẫn còn dễ,  anh đã đến cửa hiệu mua sẵn bộ dụng cụ cắt tóc. Trong đó bao gồm: kéo, tông đơ, dụng cụ tỉa lông mũi, dao cạo râu,… tổng cộng mọi thứ mất khoảng 500.000 đồng.

Bộ dụng cụ cắt tóc được Chí mua về nhà trong thời điểm giãn cách xã hội

Chí Đoàn

Sau đó, Chí  "biến" cô vợ của mình thành thợ cắt tóc bất đắc dĩ. “Tôi nhờ mà vợ không biết cắt. Tôi ngồi run mà vợ cầm tông đơ cũng run. Tôi run vì sợ vợ cắt sâu vô đầu, chảy máu, còn vợ run vì không biết cắt như thế nào. Cuối cùng tôi nói vợ cắt theo kiểu học sinh. Tức nhìn các kiểu đầu học sinh ra sao rồi cắt giống vậy. Tôi để vợ cắt nửa phần đầu, sau đó ngồi nhớ lại cách thợ đã từng cắt cho mình rồi dặn vợ cắt như thế đó”, Chí nói.
15 phút sau, mái tóc dài của anh cũng đã ngắn như ý muốn. Chí được vợ tỉa lại cho đẹp, rồi cạo sạch hai bên tai, cuối cùng là cắt ngắn phần mái. Theo Chí, quy trình này không theo thứ tự gì cả, chỉ là ngẫu hứng mà thôi, vợ thích cắt chỗ nào trước thì cắt.
“Sau khi cắt tôi cũng được vài người khen, tay nghề vợ khéo léo. Nói chung tôi cũng là “chuột bạch một lần để vợ tập cắt, sau này cắt cho con cũng được. Khi mình không biết cái gì, tự tập làm rồi cũng ổn. nói chung tình hình chung của dịch bệnh, mình nên tập thích nghi thôi”, Chí chia sẻ.

"Cây kéo vàng" chỉ cắt một kiểu tóc

Cũng lần đầu cầm tông đơ cắt tóc cho chồng ở nhà nhưng Nguyễn Trinh Thùy (33 tuổi, ngụ P.11, Q.5, TP.HCM) cho rằng đó là giải pháp hữu hiệu nhất mùa dịch. Cô cho biết, khi thành phố thực hiện giãn cách, chồng mình ở nhà tóc càng ngày càng dài. Thấy thế cô cũng đặt hàng mua dụng cụ cắt tóc qua mạng.

Nhiều người trở thành "tay kéo" chuyên nghiệp trong mùa dịch

Trinh Thuỳ

Lần đầu tiên Thuỳ cầm trên tay tông đơ cắt tóc. Người đầu tiên cũng chính là chồng của mình. “Lần đầu cắt cũng không khó. Tôi tự mày mò cũng biết cách cắt nữa. Mái tóc đầu tiên tôi cắt là của chồng. Từ mái tóc dài khoảng 1 gang tay thành kiểu tóc đinh ôm sát đầu. Mất 30 phút tôi mới cắt xong vì chưa quen. Những lần sau, chỉ cần 10 phút là tôi đã hoàn thành”, Thùy nói.
Những lần sau Thùy cắt cho các thành viên trong gia đình. Sau đó cô nhân rộng đi cắt thêm cho nhiều đồng nghiệp ở công ty. Càng cắt nhiều cô càng cảm thấy tự tin hơn trong những lần “đi kéo” của mình.
“Cắt tóc ở nhà mùa giãn cách này tiện lợi, tiết kiệm được tiền, dễ quét dọn, đảm bảo an toàn phòng dịch khi không ra ngoài. Tôi chỉ cần một ghế để trước cửa nhà rồi mang dụng cụ ra cắt, cắt xong là vô nhà liền. Tuy nhiên, tôi chỉ cắt được kiểu duy nhất là đầu đinh nên mọi người không ai được đòi hỏi kiểu khác. Hết dịch chắc tôi trở thành "cây kéo vàng" trong làng tự cắt tóc ở nhà quá”, Thùy hài hước cho biết.

Cắt sai, cắt lại, rồi lại sai  

Tôn Quang Tuyên (29 tuổi, ngụ xã Phước Kiển, H. Nhà Bè) đã mua dụng cụ cắt tóc từ khi giãn cách xã hội . Anh để dành đó thỉnh thoảng lại tự cắt tóc cho mình. Theo Tuyên, việc tự cắt tóc anh chưa từng nghĩ đến nhưng nhờ mùa giãn cách nên đã làm được.

Mặc dù cắt tóc giống như thợ nhưng bạn trẻ khẳng định chỉ cắt được một kiểu tóc duy nhất

Quang Tuyên

“Tự cắt thì khó hơn.. Tôi phải đứng trước gương, bị ngược chiều tay. Tay tôi cầm tông đơ còn mắt nhìn vào gương. Mỗi lần cắt phải thật chậm, từng phần để không lệch. Cắt xong một đường rồi tôi nhìn vào gương, đẩy mỗi bên một chút cũng lại nhìn vào gương, canh chỉnh ở nửa đầu mới tiếp tục qua bên kia. Khó nhất tự mình cắt phía sau. Tôi phải lấy tay rờ tóc, vừa đẩy tông đơ vừa rờ theo mới cắt được”, Tuyên chia sẻ.
Tuyên cho hay nhiều lúc cắt sai phải làm lại, có lúc cắt lại nhiều lần. Thậm chí mất 30 phút mới xong phần cắt chay, không tính thời gian cạo. “Tuy nhiên, đây là một trải nghiệm thú vị trong mùa dịch. Mình cắt không đẹp như thợ nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu cắt tóc cho bạn bè. Hết dịch mình cũng sẽ tự cắt tóc luôn. Có khi tôi cũng trở thành thợ vì nhiều bạn bè cũng nhờ tôi cắt tóc tiếp”, Tuyên khẳng định vui vẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.