'Thích ứng an toàn vẫn bắt buộc xét nghiệm diện rộng gây lãng phí cho xã hội'

02/06/2022 15:32 GMT+7

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho rằng, khi chuyển đổi mô hình chống dịch sang thích ứng an toàn nhưng vẫn bắt buộc xét nghiệm diện rộng là gây lãng phí các nguồn lực cho xã hội.

Nhiều chính sách chống dịch gây lãng phí

Chiều 2.6, Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại hội trường chiều 2.6

gia hân

Nêu ý kiến, đại biểu Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng việc để xảy ra tình trạng kit xét nghiệm Covid-19 không đạt chuẩn được lưu hành và sử dụng gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ông Sơn dẫn chứng theo cơ quan cảnh sát điều tra, sau 17 tháng được Bộ Y tế cấp phép, từ tháng 4.2020 đến hết 2021, Công ty Việt Á chỉ bán kit test cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật và cơ sở y tế cũng đạt doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng vào thời điểm cuối 2021, khi cả nước chuyển chiến lược chống dịch sang mô hình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng, đưa ra yêu cầu về kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính là một trong những điều kiện để đi lại và trở lại hoạt động... là chưa thực sự thuyết phục.

"Điều này tiêu tốn một nguồn lực rất lớn không chỉ cho nhà nước mà còn lãng phí nguồn lực cho xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh", ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận việc áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển ở một số địa phương trong một số giai đoạn quá cứng nhắc, nghiêm ngặt, nặng về thủ tục hành chính cấp phép xin cho, với hình thức giấy đi đường liên tục được thay đổi, ban hành mới... đã có tác động tiêu cực đến kết quả phòng chống dịch cũng như việc duy trì các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này, theo đại biểu Sơn, cũng gây lãng phí nguồn lực con người được huy động cũng như nguồn ngân sách cho hoạt động này.

"Ngoài ra, sự hạn chế trong việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch covid cũng là một sự lãng phí nguồn lực xã hội", ông Sơn nói và đề nghị các bộ, ngành báo cáo rõ nét hơn.

Tiết kiệm trong nhân lực không phải là số lượng

Một vấn đề khác, theo ông Sơn, là kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh kết quả năm 2021 trong công tác này là rất đáng ghi nhận, là nỗ lực rất lớn của các cơ quan. Tuy nhiên, cần có một sự phân tích kỹ lưỡng hơn về chất lượng tinh giảm biên chế.

"Một số cơ quan địa phương phản ánh tình trạng cào bằng giữa các đơn vị, dẫn đến một số đơn vị khối lượng công việc lớn cần ít nhất là giữ nguyên chỉ tiêu biên chế hiện có, thậm chí là cần tăng chỉ tiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu công tác thì lại vẫn phải cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung", ông Sơn phân tích.

Từ đó, ông Sơn cho rằng thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý sử dụng công chức, người lao động cần phải hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm.

"Cần trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thực hiện công tác tinh giảm biên chế và chịu trách nhiệm về nội dung này", ông Sơn kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.