Thích ứng nhanh với chuyển đổi số

31/03/2021 07:23 GMT+7

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp điêu đứng và thậm chí phá sản. Từ đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp không còn là xu hướng mà đã trở thành tất yếu để có thể tồn tại, phát triển.

Mới đây, tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định thanh niên phải là những người xung phong đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Không ai có thể đứng ngoài dòng chảy công nghệ

Thực tế, rất nhiều người trẻ đã đưa doanh nghiệpkhởi nghiệp của mình vượt Covid thành công nhờ chuyển đổi số. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều người loay hoay với bài toán này.

Nếu ta bước vào chậm ngày nào thì đã nhường đường cho đối thủ, những doanh nghiệp khác có lợi thế đi trước, lợi thế để chiếm lĩnh những vị trí chiến lược

LÊ TRÍ THÔNG Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM

Nhắc đến chuyển đổi số, nhiều người nghĩ ngay đến công nghệ, nhưng có phải cứ có công nghệ là sẽ khởi nghiệp thành công?
Anh Lê Trí Thông, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, đã có những chia sẻ vấn đề này trong chương trình “Người trẻ bắt nhịp cùng chuyển đổi số” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Anh Thông cho biết nhìn lại bức tranh năm 2020, nền kinh tế thế giới vô cùng ảm đạm vì dịch bệnh Covid-19 nhưng VN là một trong 3 quốc gia có chỉ số dương, là một trong những điểm sáng rất hiếm hoi của nền kinh tế ảm đạm trên toàn cầu.
“Năm vừa qua rất đặc biệt khi dịch Covid-19 đảo lộn hết tất cả mọi thứ, đảo lộn cách chúng ta sinh sống, cách chúng ta vận hành nền kinh tế, cũng như cách có những giao thương, buôn bán. Nhưng chính trong sự đảo lộn đó lại là tiền đề cho những trật tự mới”, anh Trí Thông chia sẻ và nhấn mạnh thêm: “Chính trật tự mới đó sẽ là cơ hội cho những nước đi sau có thể lướt lên và là cơ hội cho những người nhìn ra được dòng chảy mới, trào lưu mới của kinh tế thế giới. Mà chúng ta thấy được câu chuyện đó là sự ảnh hưởng, tác động của công nghệ vào nền kinh tế, vào cuộc sống lại được tăng tốc trong dịch Covid-19”.
Khi đặt vấn đề: “Chuyển đổi số là bước đi chiến lược của các doanh nghiệp VN hiện nay?”, anh Trí Thông cho rằng không đợi đến dịch bệnh mà trước đó, câu chuyện chuyển đổi số là dòng chảy chủ lưu trong khi chúng ta không ai có thể đứng ngoài dòng chảy đó. Dịch Covid-19 khiến dòng chảy đó đẩy chúng ta đi nhanh hơn. Những ai chậm hoặc không sẵn sàng để bơi trong dòng chảy công nghệ đó sẽ bị sóng Covid nhấn sâu hơn.
“Chính vì vậy, sau đợt này lại càng thêm tính chiến lược, và tính chiến lược đó cho thấy rõ ràng không phải cứ có công nghệ là thành công, mà vấn đề ở đây là sử dụng công nghệ như thế nào. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mất tiền cũng nhiều, có rất nhiều bạn trẻ cũng chỉ nhìn vào công nghệ nhưng thiếu yếu tố về thị trường. Các bạn mất vài năm để tạo ra công nghệ nhưng những công nghệ đó không thể thương mại hóa được”, anh Trí Thông đặc biệt lưu ý.

Anh Lê Trí Thông (thứ 3, từ phải sang) tham dự chương trình giao lưu trực tuyến “Người trẻ bắt nhịp cùng chuyển đổi số”

Để không lạc lối trên hành trình chuyển đổi số

Anh Trí Thông cho rằng chuyển đổi số là một quá trình tiến hóa không có điểm dừng, nên chậm điểm nào thì chúng ta càng chậm bước vào quá trình tiến hóa lên ngày đó. Nhiều người nghĩ nếu giờ chưa chuyển đổi số được sẽ cố gắng ở những đợt sau, nhưng thật ra vì không có điểm dừng nên người vào trước sẽ có lợi thế và đi càng ngày càng xa hơn so với người sau.

Đừng nghĩ chuyển đổi số là cái gì to tát

Trao đổi với người viết về tính cấp thiết của chuyển đổi số trong khởi nghiệp hiện nay, ông Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cho rằng thích ứng nhanh để sống chung với trạng thái bình thường mới là những gì chúng ta cần làm ngay thời điểm này chứ không phải ngồi xem tình hình thế nào hoặc mong đợi ngày nào đó dịch Covid-19 sẽ kết thúc. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu theo quy luật vận hành của thị trường mà nó là một trong những giải pháp tức thì ai cũng có thể làm được để thích ứng với những tình huống xấu không lường đến như dịch Covid-19.
“Đừng nghĩ chuyển đổi số là cái gì to tát. Chỉ đơn giản lập một website, một fanpage để bán hàng online tức là bạn đã bắt đầu chuyển đổi số rồi đấy. Mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử sẵn có trong nước hay quốc tế và quan trọng là tập trung nỗ lực để chăm sóc và tăng tương tác để lôi kéo khách hàng đến với mình chứ không chỉ mở ra rồi để đó ngồi đợi khách hàng đến. Nếu tỷ trọng khách mua hàng tại cửa hàng trực tiếp thấp hơn nhiều so với tỷ trọng khách mua trực tuyến thì mạnh dạn thu hẹp mặt bằng hoặc chuyển vị trí vào trong hẻm để cắt giảm chi phí và dùng khoản chi phí tiết kiệm được để đầu tư cho marketing online hoặc thuê nhân sự lành nghề chăm sóc các gian hàng trực tuyến, như vậy hiệu quả sẽ cao hơn nhiều”, ông Hùng nhấn mạnh.
Là một người có nhiều kinh nghiệm trong thương trường, anh Trí Thông cho rằng những doanh nghiệp trẻ, doanh nhân trẻ tại thời điểm này có nhiều cơ hội để tăng tốc ngay trong khúc quanh và vượt lên. Chúng ta thấy những câu chuyện của các quốc gia hóa rồng, câu chuyện của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2 những năm 1950 - 1960, câu chuyện của Hàn Quốc, Singapore những năm 1970 - 1980 và câu chuyện những năm 1990 của Trung Quốc…, trong đó những người trẻ, doanh nhân trẻ tại khúc quanh ấy đã tạo nên vị thế cho quốc gia của họ ngày hôm nay. Thế hệ trẻ của chúng ta hôm nay cũng đang ở khúc quanh đó và cần có tầm nhìn để có được tốc độ đi vào khúc quanh, vượt mặt trong khúc quanh.
“Chính vì vậy, khả năng định hướng giữa dòng chảy chuyển đổi số rất quan trọng. Nếu không, chúng ta cũng lạc lối trên hành trình chuyển đổi số, bởi nó rất bao la và thay đổi dòng chảy liên tục. Năng lực của các doanh nghiệp trẻ VN trong việc định hướng, có được tầm nhìn là để có quyết định đầu tư, phát triển công nghệ gì, chứ không phải lúc nào công nghệ mới cũng là tốt”, anh Trí Thông nói và lý giải bởi hiện tại, thậm chí mỗi giờ qua đi cũng có những công nghệ mới, công nghệ này thay thế cho công nghệ kia.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.