'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng

05/11/2024 04:15 GMT+7

Sau hơn nửa thế kỷ bôn ba nơi đất khách, bà Hoách Thị Kiêm Em, kiều bào Canada, trở về nước và xây một căn nhà nhỏ bên dòng sông Tiền êm đềm.

Ngôi nhà của kiều bào Hoách Thị Kiêm Em nép mình trong khu dân cư đường Cồn, khóm Long Hòa, thị trấn Chợ Mới, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đây cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của bà Kiêm Em, và ở tuổi xế chiều, bà không mong gì hơn là được tận hưởng cuộc sống bình yên trên mảnh đất quê hương yêu quý.

Chưa từng đặt chân đến Chợ Mới trước đó, nhưng tôi đã nghe rất nhiều lần bài vọng cổ Chợ Mới của soạn giả Trọng Nguyễn. Mở đầu bài "địa phương ca" ấy là câu nói lối: "Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi? Mà ai cũng bảo rằng Chợ Mới quê hương…".

Cảm nhận về một vùng quê hiền hòa, đằm thắm ấy càng rõ ràng hơn khi tôi có dịp tham gia đoàn công tác của Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM đến Chợ Mới vào ngày 1.11, thăm bà Hoách Thị Kiêm Em. Vùng sông nước êm đềm, nhiều nắng này là nơi mà bà Kiêm Em tận hưởng tuổi già sau bao năm xa xứ.

'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 1.

Bà Hoách Thị Kiêm Em, kiều bào Canada, tận hưởng tuổi già ở quê hương Chợ Mới

ẢNH: THU NGÂN

Tới nhà bà Kiêm Em phải qua đò Doi Lửa từ phía tỉnh Đồng Tháp. Cái tên Doi Lửa và nhiều địa danh ở miền Tây Nam bộ luôn kích thích trí tò mò của khách thập phương. Nghe người dân địa phương kể tên gọi "Doi Lửa" xuất phát từ việc ngày xưa người dân ưa đốt lửa trên doi (phần đất nhô ra khỏi bờ sông - PV) để làm tín hiệu cho ghe thuyền qua lại. Còn trong quyển Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hiến Lê ghi rằng tương truyền dưới triều Gia Long và Minh Mạng, ở vùng này có một đồn canh, mỗi khi giặc Xiêm tới thì quân ta đốt lửa trên doi để báo cho đồn điền phía dưới.

Đứng trên chuyến đò ngang qua sông, phóng tầm mắt sẽ thấy được cù lao Tây và mịt mùng sóng nước.

Bà Kiêm Em năm nay đã 78 tuổi. Dù quê gốc ở Chợ Mới, An Giang nhưng gia đình bà đã chuyển lên Q.4, TP.HCM sống khi bà còn nhỏ. Năm 1971, bà cùng chồng - khi đó làm việc trong quân đội Mỹ - và hai con nhỏ di cư sang Canada. Khoảng 10 năm sau khi sang Canada thì chồng bà mất.

'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 2.
'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 3.
'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 4.

Căn nhà của bà Kiêm Em bên bờ sông Tiền, phía sau nhà, bà trồng nhiều loại cây trái

ẢNH: THU NGÂN

Kể về quãng thời gian lao động ở xứ người, bà Kiêm Em gói gọn nó trong hai chữ "khó khăn" với nỗi nhớ quê luôn canh cánh trong lòng.

Bà nhớ lại: "Tôi làm đủ thứ nghề. Ban đầu tôi đi rửa chén, phụ bếp, rồi từ từ lên được tới bếp chính của nhà hàng. Khi ổn định rồi thì tôi bảo lãnh ba má sang Canada. Lúc mới qua là khó khăn nhất. Tiếng Anh thì không rành, con cái lại còn nhỏ. Nhớ quê và thèm đồ ăn Việt Nam lắm. Nhất là khi tết tới, tôi cứ đứng nhìn tuyết rơi mà khóc. Cứ nghĩ đến giờ này ở Việt Nam người ta đang sắm sửa quần áo mới, ra đường ăn bao nhiêu món ngon, còn mình thì co ro trong cái lạnh nơi đây".

Bà Kiêm Em nhớ rõ rằng phải đến 23 năm sau khi định cư ở Canada, tức năm 1994, bà mới có dịp trở về Việt Nam lần đầu tiên.

"Khi đó thì mọi thứ ổn định và tôi cũng có tiền dành dụm rồi. Tôi và mẹ cứ đi đi về về. Lúc mới về nước, chưa quen với khí hậu nóng, thành phố cũng thay đổi, ồn ào hơn xưa. Nhưng khi quen rồi thì tôi cứ để dành tiền đưa mẹ về Việt Nam thôi. Sau này mẹ tôi về Việt Nam ở luôn. Còn tôi vẫn ở Canada", bà Kiêm Em kể.

'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 5.

Góc phòng, vườn tại nhà bà Kiêm Em

ẢNH: THU NGÂN

Năm 1992, bà Kiêm Em kết hôn với ông Alfred Tur, người Hà Lan, đang sinh sống ở Canada. Sau khi ông Alfred về hưu, mỗi mùa trú đông, ông đều cùng bà về Việt Nam và theo lời bà Kiêm Em thì ông rất yêu mến quê hương của vợ mình.

"Căn nhà mẹ tôi ở Q.4 giờ có gia đình em tôi ở rồi. Còn tôi và Alfred mua căn nhà khác cũng trong quận này. Sau đó chúng tôi bán đi, chuyển về Chợ Mới xây nhà. Dù không rành tiếng Việt, ông lúc nào cũng nói 'Tôi yêu Chợ Mới', nên tôi hay gọi ông là 'ông rể miền Tây'. Nhà mới ở Chợ Mới thì xây xong đầu năm nay, nhưng không may tháng 5 vừa rồi, khi trở lại Canada thì chồng tôi qua đời", bà Kiêm Em chia sẻ.

Ngôi nhà của bà Kiêm Em được xây dựng theo phong cách đơn giản, gồm 2 tầng, với cửa sau nhìn ra sông Tiền - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Cứ cách vài phút lại nghe tiếng đò phành phạch, chạy đè con nước, vỗ sóng dội vào bờ kè. Cũng ở sau nhà, bà Kiêm Em dành khoảng đất rộng để trồng cây, làm vườn và ngày nào bà cũng thu hoạch cả rổ rau, trái cây "organic". Bà gọi đó là "thiên đàng" của mình.

Bà luôn nói mình yêu sông nước và không thể dứt tình với con sông quê. Đi đâu, bà cũng muốn sống gần sông và thấy nhớ sông. Có thể hình dung những ký ức mà bà kể lại về tuổi thơ bên dòng sông như thể nó đã chảy tràn trong trí nhớ của bà hơn nửa thế kỷ xa quê, và cũng chính con sông đã dắt díu bà về quê ở hẳn.

'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 6.
'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 7.
'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 8.
'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 9.

Con cháu, họ hàng và bạn bè của bà Kiêm Em thường đến nhà bà thăm hỏi, quây quần rất đông vui

ẢNH: THU NGÂN

Bà Kiêm Em liên tục cảm ơn sự giúp đỡ từ Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM, đặc biệt là luật sư Lâm Quang Quý, Giám đốc trung tâm, vì đã sát cánh giúp bà thực hiện ước nguyện trở về quê hương.

Năm 2004, bà mua một căn nhà trên đường Tôn Thất Thuyết, Q.4 và nhờ người thân đứng tên. Đến cuối năm 2011, khi chính sách của nhà nước cho phép kiều bào sở hữu nhà ở Việt Nam, bà đã liên hệ trung tâm để được hỗ trợ pháp lý. Nhờ luật sư Quý, bà nhanh chóng hoàn tất thủ tục để chính thức đứng tên căn nhà, từ đó, bà và ông Alfred Tur yên tâm hơn khi gắn bó với quê hương Việt Nam.

Khi bà về An Giang sinh sống, Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM tiếp tục đồng hành, tư vấn các thủ tục pháp lý để bà thuận lợi ổn định cuộc sống. Gần đây, bà cũng nhờ trung tâm hỗ trợ thủ tục đưa tro cốt của chồng về Việt Nam theo nguyện ước "ở rể" miền Tây của ông lúc sinh thời.

'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 10.

Luật sư Lâm Quang Quý, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM, là người đồng hành, giúp đỡ bà Hoách Thị Kiêm Em nhiều vấn đề pháp lý trong nhiều năm qua

ẢNH: THU NGÂN

Hỗ trợ và gắn bó với kiều bào

Luật sư Lâm Quang Quý cho hay kể từ khi được thành lập vào năm 2009 theo quyết định của UBND TP.HCM, Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM đã hỗ trợ pháp lý cho hàng ngàn trường hợp, đa số là các vấn đề thiết thân của kiều bào, như về đất đai, nhà ở, quốc tịch, hộ tịch, xuất nhập cảnh và cư trú.

Trong đó, vấn đề cư trú là một trong những khó khăn lớn nhất mà kiều bào thường gặp phải. Cô Kiêm Em là một trong số những kiều bào đã đồng hành, gắn bó lâu dài với trung tâm từ lúc mới thành lập.

'Thiên đàng' của một kiều bào Canada bên sông Tiền thơ mộng- Ảnh 11.

Đoàn công tác của Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM đến thăm bà Hoách Thị Kiêm Em

ẢNH: THU NGÂN

Theo luật sư Lâm Quang Quý, bên cạnh việc hỗ trợ tháo gỡ các vấn đề vướng mắc pháp lý quan trọng, Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM đặt cho mình một nhiệm vụ đồng hành, tinh thần sẵn sàng gắn bó, san sẻ với kiều bào trong đời sống, nhất là qua các hoạt động thăm hỏi, giao lưu văn hóa, tư vấn pháp luật, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho kiều bào có hoàn cảnh khó khăn. Trong giai đoạn mới, trung tâm sẽ tập trung đổi mới hoạt động, bổ sung thêm chức năng, nhằm hỗ trợ kiều bào một cách sâu sát và hiệu quả nhất.

Ông Võ Thành Đăng, Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho hay người Việt Nam xa xứ luôn ấp ủ ước mơ trở về quê hương, sống giản dị với hàng xóm nghĩa tình. Bà Kiêm Em là một trong những đại diện tiêu biểu cho nguyện vọng ấy. Nhiều kiều bào luôn biết ơn sự giúp đỡ, đồng hành của Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM, từ việc làm thủ tục, mua nhà đến các hỗ trợ pháp lý khác.

"Hiện nay, thế hệ kiều bào trẻ mong muốn về Việt Nam không chỉ để an cư mà còn để đầu tư và khởi nghiệp. Trong thời gian tới, tôi tin rằng trung tâm sẽ tiếp tục cập nhật, đổi mới và đẩy mạnh quảng bá để các thế hệ kiều bào có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và hỗ trợ", ông Đăng cho hay.

Hiện nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khoảng 6 triệu người (trong đó có khoảng 2,9 triệu kiều bào có quê hoặc có thân nhân tại TP.HCM), đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhiều năm qua, Việt Nam là 1 trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Từ năm 1993 - 2022, lượng kiều hối về Việt Nam khoảng 190 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân trong cùng kỳ.

Trong đó, kiều hối về TP.HCM luôn chiếm từ 38 - 53% tổng lượng kiều hối cả nước. Năm 2023, kiều hối tại TP.HCM đạt gần 9,5 tỉ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Riêng trong 9 tháng năm 2024 đạt gần 7,4 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.