|
Trong một dịp tình cờ, người viết xem được một clip trên mạng quay cảnh người đàn ông Nhật làm xà lách, tôm chiên bột bằng cách đổ một chất lỏng gì đó lên mặt nước. Rồi bằng kỹ năng của mình, ông ''biến'' nó thành các loại thực phẩm hấp dẫn, ngon lành như thật. Trong những ngày giữa tháng 11 này, chúng tôi có dịp đến tận nơi để chứng kiến những ngón nghề điêu luyện đó của những nghệ nhân ở xứ sở hoa anh đào.
Nơi đó là một làng nghề có tuổi đời gần 100 năm ở thành phố Gujo, tỉnh Gifu, miền Trung nước Nhật. Anh Mishima, viên chức ngành du lịch địa phương đưa chúng tôi đến một xưởng sản xuất có tiếng trong vùng. Từ bên ngoài đến phía trong xưởng đầy ắp các món ăn, thức uống, bánh kẹo... thật hơn cả thật. Có thể nói trước mắt chúng tôi là một thiên đường ẩm thực.
|
Đón chúng tôi là một nữ nghệ nhân luống tuổi. Sau màn chào hỏi, nữ nghệ nhân tiến đến chậu nước, bên cạnh là một số chậu nhỏ hơn đựng dung dịch lỏng nhiều màu sắc khác nhau. Bà lấy một con “tôm luộc” để cách mặt nước chừng 30cm làm chuẩn rồi đổ chất lỏng có màu vàng nhạt lên mặt nước bằng với chiều dài thân tôm. Sau đó để con tôm lên lớp chất lỏng đó và rưới thêm một ít lên mình tôm, dùng tay khoát nhẹ nước lên lớp chất lỏng vừa rưới lên mình tôm. Sau cùng bà nhấn hẳn nó xuống mặt nước rồi nhấc lên. Vậy là một con tôm chiên bột (tiếng Nhật gọi là tempura) ra đời.
Hay lá xà lách, cách làm còn đơn giản hơn. Bà chỉ cần đổ một dung dịch trong suốt lên mặt nước trong chính cái chậu đó. Chất lỏng trong suốt biến thành màu trắng ngà. Bà đổ nối tiếp vào lớp chất lỏng màu trắng đó một ít chất lỏng màu xanh lá. Cầm vành của lớp chất lỏng màu trắng vừa kèo vừa lắc nhẹ và ấn xuống mặt nước. Thế là có một lá cải xà lách tươi xanh.
|
|
Những chất lỏng này được nghệ nhân cho biết là sáp. Chậu nước để chế biến sản phẩm là nước ấm. Sau khi làm xong nó được cho vào một chậu nước lạnh để sản phẩm cứng lại. Nhìn cách mà nghệ nhân này làm thật đơn giản, tuy nhiên để làm cho đẹp và giống như thật sẽ mất rất nhiều thời gian thực hành. Chính vì thế, những du khách như chúng tôi được cho trải nghiệm bằng cách “lắp ráp” các sản phẩm bánh ngọt từ những nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn. Sản phẩm được mang về làm kỷ niệm.
Ở đây mọi loại thực phẩm đều được “làm giả”. Có những thứ phức tạp và cần độ bền, cứng sẽ được làm bằng sillicon. Ý tưởng làm thực phẩm mô hình này xuất phát từ việc sản xuất các bộ phận cơ thể người. Do nhu cầu trưng bày sản phẩm để giới thiệu với thực khách của các nhà hàng ngày càng nhiều nên nghề này đã phát triển ra nhiều nơi khác ở tỉnh Gifu. Đây cũng là một ngành nghề mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất.
Các sản phẩm giả này được biết còn đắt hơn thức ăn thật vì nó không được sản xuất hàng loạt mà tùy theo đơn đặt hàng của từng nhà hàng, mỗi nhà hàng chế biến và trang trí món ăn khác nhau. Cái khó nhất của nghề này là làm sao tạo, phối màu giống thật nhất.
Với tuổi đời non một thế kỷ, nó đã trở thành một nghề truyền thống và đang rất phát đạt ở Nhật.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)