Thiên hà chết vừa được phát hiện có tên JADES-GS-z7-01-QU và ngừng sản sinh sao cách đây hơn 13 tỉ năm, thời điểm vũ trụ mới khoảng 700 triệu năm tuổi, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học ngạc nhiên trước việc thiên hà bất ngờ ngừng sản xuất sao, vì lúc đó khí, bụi cần thiết cho sự hình thành của sao tồn tại dồi dào trong vũ trụ cổ xưa.
"Vài trăm triệu năm đầu tiên của vũ trụ là giai đoạn vô cùng tích cực, với vô vàn đám mây sao sụp đổ để hình thành những ngôi sao mới", Space.com dẫn lời tác giả chính Tobias Looser của Đại học Cambridge (Anh). "Các thiên hà cần nguồn khí dồi dào để sản xuất sao mới, và vũ trụ sơ khai giống như bữa tiệc buffet cần bao nhiêu cứ lấy", ông Looser mô tả.
Dữ liệu truyền về từ kính James Webb cho thấy thiên hà JADES-GS-z7-01-QU nhiều nhất là chỉ hình thành sao trong thời gian ngắn ngủi và nhanh chóng, kéo dài từ 30 đến 90 triệu năm. Kế đến, nó ngừng "đẻ" sao từ 10 đến 20 triệu năm trước khi đến thời điểm lọt vào tầm quan sát của kính James Webb.
Những thiên hà chết, chỉ các thiên hà không còn sản sinh sao, từng được quan sát trong quá khứ. Tuy nhiên, trong nhóm này, JADES-GS-z7-01-QU là thiên hà cổ xưa nhất, xuất hiện khi vũ trụ mới khoảng 700 triệu năm tuổi.
Kích thước của thiên hà trên cũng nhỏ hơn nhiều lần so với các thiên hà khác trong vũ trụ cổ xưa.
"Cho đến nay, để hiểu được vũ trụ xưa, chúng tôi sử dụng những mô hình dựa trên vũ trụ hiện đại", theo đồng tác giả báo cáo Roberto Maiolino cũng thuộc Đại học Cambridge.
"Tuy nhiên, giờ đây con người đã có thể nhìn sâu hơn vào quá khứ và quan sát sự hình thành sao bị vắt kiệt nhanh chóng trong thiên hà trên, những mô hình dựa trên vũ trụ hiện đại cần phải được cân nhắc lại", ông Maiolino nhận xét.
Bình luận (0)