Thiên hà nhỏ bé nhưng phải ‘oằn mình’ gánh chịu hố đen khổng lồ

05/12/2021 13:56 GMT+7

Theo kết quả phân tích mới, vùng trung tâm của Leo I, thiên hà vệ tinh của Dải Ngân hà, đang chứa một siêu hố đen với khối lượng lớn gấp 3,3 triệu lần mặt trời, chiếm khoảng 16% tổng khối lượng của thiên hà này.

Dải Ngân hà và thiên hà vệ tinh Leo I

esa/gaia

Các nhà thiên văn học của Đại học Texas (Mỹ) phát hiện một hố đen khổng lồ ở giữa thiên hà Leo I. Bản thân Leo I có khối lượng lớn gấp khoảng 20 triệu lần so với mặt trời, theo báo cáo trên chuyên san The Astrophysical Journal.

Khối lượng của hố đen của Leo I gần như tương đồng với Sagittarius A*, siêu hố đen của Dải Ngân hà. Sagittarius A* có khối lượng gấp khoảng 4 triệu mặt trời, trong khi khối lượng của Dải Ngân hà gấp khoảng 1.300 tỉ mặt trời.

Giới quan sát vô cùng ngạc nhiên về việc Leo I phải chứa một siêu hố đen khổng lồ đến thế, đi ngược lại những hiểu biết trước đây về tỷ lệ hợp lý giữa hố đen và thiên hà chứa nó.

Tuy nhiên, nếu được xác nhận, câu chuyện về Leo I và siêu hố đen có thể mở ra trang mới về cách thức các thiên hà và siêu hố đen của chúng phát triển và tiến hóa.

Hiện Dải Ngân hà sở hữu nhiều thiên hà vệ tinh, chủ yếu là các thiên hà lùn. Tuy nhiên, không phải thiên hà lùn nào cũng giống nhau, và nỗ lực tiếp tục nghiên cứu có thể cho phép nhân loại hiểu được sự đa dạng của thiên hà và sự ra đời của chúng.

Leo I nằm cách trái đất khoảng 820.000 năm ánh sáng. Không giống như các vệ tinh khác, Leo I không chứa nhiều vật chất tối (chất đóng vai trò kết nối toàn thể vũ trụ nhưng đến nay vẫn chưa từng được quan sát trực tiếp).

Phát hiện của đội ngũ chuyên gia Đại học Texas có thể buộc con người phải viết lại hiểu biết về cách thức vật chất được phân bổ bên trong các thiên hà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.