Thiên tai hiểm họa khó lường

27/08/2016 09:04 GMT+7

Cơ quan chức năng ở tỉnh Hậu Giang vừa cập nhật công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn với những số liệu rất đáng quan tâm.

Thiệt hại không nhỏ
Ông Trần Thanh Lâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, mặn từ biển Đông, biển Tây tiến vào nội đồng Hậu Giang qua ngã sông Hậu, kênh Quản lộ Phụng Hiệp, sông Cái Lớn… 2 tháng đầu năm 2016, mặn xâm nhập với nồng độ từ 2,6 - 12‰. Từ tháng 3 đến tháng 6, mặn xâm nhập và duy trì ở mức độ cao (12 - 19,7‰) tại nhiều địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng. 4/8 huyện, thị, thành trong tỉnh phải công bố thiên tai xâm nhập mặn.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, các đợt mặn xâm nhập gay gắt đã làm cho 407 ha lúa đông xuân thiệt hại từ 30 - 70%, 246 ha lúa hè thu mất trắng, 6.000 ha lúa hè thu không thể xuống giống, 1.000 ha thủy sản trễ lịch thời vụ, nhiều ha rau màu, vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng, 1.400 hộ dân làm nghề đan đát thủ công mỹ nghệ mất việc làm do thiếu nguyên liệu lục bình khô, 5.000 hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt…Tổng thiệt hại trong mùa khô năm 2016 do mặn xâm nhập, hạn hán hơn 189 tỉ đồng.
Song song đó, mưa to, giông lốc, gió giật mạnh cũng đã làm 58 căn nhà bị sập, 74 căn tốc mái, xiêu vẹo, 3.000 ha lúa bị đổ ngã. Toàn tỉnh xảy ra 54 điểm sạt lở tập trung nhiều nhất ở H.Châu Thành (48 điểm), H.Châu Thành A, TP.Vị Thanh, H.Phụng Hiệp.
Thiên tai hiểm họa khó lường 1
Sạt lở ở H.Châu Thành (Hậu Giang) Ảnh: Quang Minh Nhật
Cùng chung sức phòng tránh
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhận định thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, do vậy từng cá nhân, hộ dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chung sức phòng tránh. UBND các cấp trong tỉnh phải chủ động chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết để ứng phó kịp thời đối với từng thiên tai và thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) một cách hiệu quả nhất. Trong công tác phòng chống thiên tai, tỉnh Hậu Giang rất cần sự hỗ trợ từ các tỉnh thành cùng bộ ngành T.Ư và nhất là Chính phủ. “Tỉnh kiến nghị T.Ư sớm có chương trình nghiên cứu xử lý chống sạt lở chung cho ĐBSCL. Năm 2016 Hậu Giang đã xảy ra 54 điểm sạt lở, tỉnh đề nghị T.Ư hỗ trợ dự án kè chống sạt lở khu vực đông dân cư trên các tuyến kênh để đảm bảo an toàn tính mạng người dân”, ông Tuyên nói.
Theo ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh đã cho thấy hiệu quả rõ nét trong công tác ngăn mặn. Do trước đây nguồn vốn khó khăn, T.Ư đề nghị đình giản tiến độ dự án đê bao từ 688 tỉ đồng xuống còn 425 tỉ đồng, vì thế tỉnh phải cắt 30 km thuộc địa bàn 2 xã Vĩnh Viễn A, Lương Tâm (H.Long Mỹ). Tỉnh kiến nghị T.Ư cho tiếp tục triển khai dự án để sớm xây dựng hoàn thành 30 km tuyến đê bao ngăn mặn còn lại với kinh phí ước tính khoảng 260 tỉ đồng; đồng thời đề xuất T.Ư cho chủ trương xây dựng dự án hệ thống ô bao lớn kiểm soát mặn vùng Phụng Hiệp - Long Mỹ (ước kinh phí 350 tỉ đồng) để khép kín 30.000 ha đất nông nghiệp. “Mặn xâm nhập ngày càng phức tạp theo, do vậy tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT sớm có dự án triển khai hệ thống cống Cái Lớn- Cái Bé, hoàn chỉnh hệ thống cống Ninh Quới và Nam Trắc Băng và cho tiến hành nạo vét những trục kênh cấp 1 liên tỉnh để lấy nước từ sông Hậu tiếp ngọt cho vùng bị hạn, xâm nhập mặn của tỉnh Hậu Giang và các tỉnh lân cận”, ông Hùng đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.