Thiên tai không chừa quốc gia nào

Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch.

Tại hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu (COP23) diễn ra ở Bonn - Đức, VN với tư cách là một trong những nước hứng chịu thiên tai nặng nề nhất đã có những cam kết và đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong phiên họp cấp cao chiều muộn 16.11 (giờ địa phương), ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, Trưởng đoàn VN tham dự COP23, đã có bài phát biểu về quan điểm của VN trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trước diễn đàn, ông Nhân chia sẻ: “Những ai tham dự Tuần lễ cấp cao APEC mới đây đều đã tận mắt thấy được sức tàn phá của cơn bão Damrey ở miền Trung của VN”. Bão Damrey đổ bộ vào VN ngay trước thềm COP23 đã gây ra tình trạng sạt lở đất và ngập lụt nặng. Ít nhất 106 người thiệt mạng, 25 người mất tích và 197 người bị thương. Thứ trưởng Nhân cho rằng quan điểm của VN là cần có những hành động ngay để bảo vệ người dân và những thành tựu phát triển khỏi những tác động ngày càng nghiêm trọng của BĐKH thông qua tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu và những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.
Trước đó, trong một báo cáo mới nhất từ Tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch, VN đứng thứ 5 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi BĐKH trên thế giới. Báo cáo còn nêu những lo ngại trước diễn biến bất thường của thời tiết ở Ấn Độ, Sri Lanka và VN như bão chồng bão, lũ chồng lũ... Đáng chú ý là Mỹ xếp ở vị trí thứ 10 các quốc gia bị ảnh hưởng bởi BĐKH khi những trận siêu bão đã khiến 267 người thiệt mạng, gây thiệt hại kinh tế ước tính hơn 47,4 tỉ USD, tương đương 0,255% GDP. “9 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là các nước đang phát triển có thu nhập bình quân đầu người thấp. Nhưng sự góp mặt của Mỹ cho thấy các quốc gia phát triển cũng cần phải tích cực hơn trong việc đối phó với những tác động của khí hậu và có các hành động cấp thiết để bảo vệ lợi ích của mình”, David Eckstein, một trong những tác giả của báo cáo, nói. Cũng theo Germanwatch, trên phạm vi thế giới, trong 20 năm từ 1996 - 2016, thiên tai, BĐKH đã làm chết 520.000 người, gây thiệt hại kinh tế 3.160 tỉ USD.
Đóng góp của VN
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, là một bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris, VN đang triển khai thực hiện kế hoạch hành động với trọng tâm cụ thể về thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và Thỏa thuận Paris. VN cũng đã khởi động tiến trình rà soát NDC và sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Trưởng đoàn VN cũng chia sẻ với các bên về một sự kiện như là mốc quan trọng xây dựng khả năng thích ứng và ứng phó với BĐKH ở VN. Đó là vào tháng 9 vừa qua, Chính phủ VN đã tổ chức hội nghị về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL, một trong những vùng trồng lúa gạo lớn nhất Đông Nam Á và chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi BĐKH trên thế giới. Tại hội nghị, VN cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức phát thải thông thường, sử dụng hiệu quả năng lượng sẵn có, phát triển nâng tỷ trọng năng lượng sạch nhằm giảm phát thải, tăng diện tích trồng rừng để tăng khả năng hấp thụ CO2...
Nhiều nước cam kết không sử dụng than đá
Trong ngày 17.11, ngày cuối cùng của COP23, đã có nhiều cam kết tự nguyện được đưa ra. Đáng chú ý nhất là 20 nước quyết định không sử dụng than kể từ năm 2030 và sự ra đời của một liên minh chống sử dụng than đá. Theo đó, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Pháp, Ý, New Zeland, Costa Rica, Fiji và khoảng 10 quốc gia khác đã cam kết chấm dứt dùng than để sản xuất điện vào năm 2030. Riêng Pháp, trong 3 năm nữa sẽ đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện dùng than. Đặc biệt trong số các thành viên tham gia liên minh này còn có nhiều bang của Mỹ, dù trước đó Washington đã tuyên bố ý định rút khỏi Thỏa thuận Paris, thỏa thuận đặt kỳ vọng cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2) để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Tại COP23, Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng các nhà máy điện than sản sinh ra gần 40% điện năng toàn cầu làm cho ô nhiễm CO2 từ than trở thành một trong những yếu tố hàng đầu gây ô nhiễm không khí và gia tăng nhiệt độ trái đất. Hiện tại, Trung Quốc là nước tiêu thụ tới một nửa lượng than của toàn thế giới, kế đến là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.