Nguồn tin cho biết thêm các chuyên gia tại DARPA - cơ quan nghiên cứu tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ - vẫn chưa biết chắc làm cách nào Trung Quốc có thể vượt qua những hạn chế về vật lý để phóng thiết bị chống trả như tên lửa từ HGV đang bay với vận tốc bội siêu thanh.
Lầu Năm Góc tin rằng Trung Quốc đã phóng một thiết bị lượn bội siêu thanh (HGV) trên một tên lửa Trường Chinh, được nhìn thấy tại Trung tâm không gian Văn Xương ở đảo Hải Nam hồi năm ngoái |
HGV trong cuộc thử nghiệm ngày 27.7 là một con tàu vũ trụ linh hoạt, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, theo Financial Times. HGV được phóng vào quỹ đạo trên một tên lửa, sau đó trở lại bầu khí quyển và bay hướng tới mục tiêu với vận tốc lớn hơn gấp 5 lần vận tốc âm thanh, lên tới hơn 5.900 km/giờ. HGV cũng có thể hoạt động như một vũ khí quy ước bằng cách dùng tốc độ để phá hủy mục tiêu.
Các chuyên gia quân sự đang nghiên cứu kỹ dữ liệu liên quan đến cuộc thử nghiệm nói trên để hiểu rõ Trung Quốc đã nắm được công nghệ liên quan đến mức nào. Họ cũng đang tranh luận về mục đích của tên lửa, được phóng từ HCV với mục tiêu không rõ ràng, trước khi rơi xuống biển.
Một số chuyên gia của Lầu Năm Góc tin rằng tên lửa được phóng từ HGV là tên lửa không đối không. Một số chuyên gia khác thì cho rằng đó là thiết bị nhằm phá hủy các hệ thống phòng thủ tên lửa để những hệ thống này không thể bắn hạ vũ khí bội siêu thanh trong thời chiến.
Nga nói gì về thông tin Trung Quốc thử vũ khí bội siêu thanh? |
Mỹ và Nga đã theo đuổi việc phát triển vũ khí bội siêu thanh trong nhiều năm, nhưng giới chuyên gia cho rằng việc phóng thiết bị chống trả từ HGV là bằng chứng mới nhất cho thấy Bắc Kinh vượt qua cả hai đối thủ về công nghệ bội siêu thanh.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin HGV phóng tên lửa riêng nói trên, nhưng cho hay họ vẫn quan ngại về cuộc thử nghiệm ngày 27.7, được Financial Times loan tin lần đầu hồi tháng trước. Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ thì nói rằng sứ quán “không biết” về cuộc thử nghiệm tên lửa đó.
Trước đó, Bắc Kinh đã bác bỏ thông tin của Financial Times về cuộc thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh hồi tháng 7 ở Trung Quốc, khẳng định nước này đã phóng thử phi thuyền có thể tái sử dụng, chứ không phải tên lửa bội siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, cuộc phóng phi thuyền diễn ra trước cuộc thử HGV tới 11 ngày, theo Financial Times ngày 21.11 dẫn lời một số người biết rõ về hai cuộc thử nghiệm. Financial Times cũng đã đưa tin Trung Quốc tiến hành cuộc thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh khác vào ngày 13.8.
Bình luận (0)