Thiết bị theo dõi sóng não học sinh ở Trung Quốc hứng chỉ trích

10/04/2019 16:39 GMT+7

BrainCo là hãng khá lạ, gây không ít tranh cãi khi nỗ lực đưa thứ tưởng chừng như viễn tưởng vào ứng dụng thực tế. Đó là thiết bị theo dõi sóng não, được ứng dụng vào giáo dục.

Siêu năng lực “telekinesis” là khả năng di chuyển các vật thể ở xa thông qua sức mạnh trí não. Đây là kỳ tích đáng chú ý nhưng chỉ có trong phim viễn tưởng. Song theo South China Morning Post, tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2019 diễn ra ở Las Vegas (Mỹ) trong tháng 1, nhiều khách tham quan gian hàng của BrainCo có cơ hội thể hiện sức mạnh não bộ của họ.
Khách tham qua gian hàng BrainCo được đề nghị đeo băng quanh đầu của công ty, tập trung vào chiếc xe đồ chơi trong một đường đua nhỏ để rồi như thể có năng lực siêu nhiên, khiến chiếc xe đồ chơi chạy trên đường đua.

Từ Harvard về tiểu học Trung Quốc

Đường đua xe đồ chơi tại gian hàng của BrainCo ở CES 2019 Ảnh: Handout
BrainCo được ươm mầm từ Đại học Harvard. Nhà sáng lập hãng là kỹ sư Trung Quốc Han Bicheng. Công ty thu hút nhiều sự chú ý cho sản phẩm giao diện máy-não (BMI) kể từ lần đầu tiên tham gia CES vào năm 2017. Thiết bị băng đeo đầu Focus của công ty được mô tả là “phản hồi sóng não tức thì và trực quan hóa”, đặt mục tiêu tiến vào thị trường giáo dục, thể thao và y tế.
Song tại Trung Quốc, BrainCo là chủ đề gay tranh cãi trên mạng xã hội. Hiện không ít người lo ngại về mức độ ứng dụng rộng rãi của các công nghệ dùng để giám sát ở nước này, chẳng hạn như công nghệ nhận dạng khuôn mặt và dữ liệu lớn.
BrainCo bị nhiều người chỉ trích trên Weibo sau khi hãng tung hình ảnh học sinh tiểu học Trung Quốc đeo băng Focus trên đầu hồi tháng này. Thiết bị cho phép giáo viên theo dõi mức độ tập trung của học sinh trong lớp. Cách thức theo dõi rất đơn giản: Màu xanh có nghĩa là học sinh đang thư giãn, màu vàng là tập trung, còn màu đỏ là rất tập trung.
“Các em đã làm gì mà phải chịu cảnh bị theo dõi liên tục thế này? Tôi thấy chúng ta không thể đeo vòng lên cổ tay những kẻ ấu dâm, song lại thật dễ để mà đeo băng cho những đứa trẻ non nớt này”, một người dùng Weibo viết.

Thử nghiệm trên hàng chục ngàn học sinh

Nhà sáng lập BrainCo Han Bicheng (trái) trò chuyện cùng tỉ phú Mỹ Mark Cuban (giữa) tại CES 2018 Ảnh: Handout
Băng Focus sử dụng các cảm biến điện não đồ (EEG) để phát hiện tín hiệu não, rồi dùng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để dịch tín hiệu thành các mức độ tập trung theo thời gian thực. Điện não đồ ghi lại hoạt động điện của não bộ, từ lâu được dùng trong y tế và là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn với một số bệnh như động kinh, rối loạn giấc ngủ và các bệnh về não.
Dữ liệu thu thập từ băng quấn đầu được dùng để thiết kế các trò chơi tập trung, nhằm giúp học sinh luyện trí não để tối ưu hóa hoạt động của nó trước khi lớp học bắt đầu, BrainCo viết trên trang web.
Hôm 5.4, hãng tuyên bố trên Weibo rằng băng Focus trong ảnh được dùng cho một số thử nghiệm tại trường hợp ở Trung Quốc để giúp học sinh cải thiện hiệu quả học tập. Sản phẩm đến nay chưa được bán cho bất kỳ trường nào. BrainCo hợp tác với một trường ở Trung Quốc để thử nghiệm băng Focus 1 trên 10.000 học sinh tiểu học và trung học, từ 10 đến 17 tuổi, Daily Mail đưa tin hồi tháng 1.
Chỉ trích dành cho BrainCo xuất hiện giữa lúc Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy nhiều loại công nghệ AI, chẳng hạn như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng dáng đi vào nhiều khía cạnh trong cuộc sống người dân. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thông qua Kế hoạch Phát triển Trí tuệ nhân tạo vào tháng 7.2017, vạch hướng phát triển ba bước để thống trị AI toàn cầu năm 2030.
Đại lục có rất nhiều camera giám sát với độ phân giải cao, khả năng nhận dạng khuôn mặt và cảm biến từ xa để cung cấp dữ liệu cho thuật toán AI. AI phân tích dữ liệu tức thì, giúp cơ quan chức năng làm nhiệm vụ như kiểm soát điểm nhập cảnh tại biên giới, tạo điều kiện cho thanh toán không cần mật khẩu và phát hiện người qua đường ẩu. Người dân Trung Quốc và thế giới đến nay vẫn tranh cãi về giới hạn giám sát và lằn ranh giữa sự an ninh và quyền riêng tư.

Đi tiếp đến Mexico, Tây Ban Nha

Hình ảnh thử nghiệm băng đeo đầu Focus 1 trong lớp Ảnh: BrainCo
Bất chấp vấp phải tranh cãi, BrainCo vẫn có hợp đồng hai năm để sản xuất Focus 1 và đặt mục tiêu giao hàng 600.000 chiếc, CEO Han chia sẻ với tờ MIT Technology Review hồi năm 2017. Doanh nghiệp cũng làm việc với trường học tại Mexico, Tây Ban Nha, Brazil và Mỹ, thực hiện nghiên cứu thí điểm tại trường trung học ở Boston.
Thực tế, BrainCo có trụ sở ở Somerville, thành phố ở tây bắc Boston, bang Massachusetts. Ông Han năm nay 32 tuổi, nắm trong tay tấm bằng tiến sĩ từ năm ngoái. Ông sáng lập doanh nghiệp khi đang nghiên cứu về tích hợp nhiều giác quan, cảm biến tại Trung tâm Khoa học Não thuộc Đại học Harvard.
Ngoài BrainCo, ông cũng thành lập startup khác tên BrainRobotics. Hiện BrainRobotics phát triển sản phẩm mà họ gọi là bàn tay giả với công nghệ AI có giá phải chăng nhất thế giới. Ông Han từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến tháng 11.2018: “Bằng cách áp dụng kỹ thuật AI và tiến bộ trong công nghệ cảm nhận não bộ, viễn cảnh vốn chỉ thấy trong phim viễn tưởng có thể sớm thành hiện thực”.
Ông nói thêm rằng sản phẩm BMI không chỉ “rèn luyện kỹ năng nhận thức mà còn điều khiển được các thiết bị điện tử như bật, tắt thiết bị thông minh trong nhà hay điều khiển chuyển động của robot”. Theo tiến sĩ người Trung Quốc, quan hệ kết hợp giữa não và máy sẽ giúp con người khám phá thêm khả năng và trí thông minh của mình.
Han được MIT Technology Review liệt kê vào danh sách “Những người đổi mới dưới 35 tuổi” năm 2017. Doanh nghiệp BrainCo thì chi 30 triệu USD trong 5 năm để nghiên cứu, phát triển băng Focus. Công ty đang có 76 nhân viên, chủ yếu là nhà khoa học và kỹ sư từ Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard. 60% nhân viên là người Hoa.
Song hãy bỏ qua các thành tích của ông Han và BrainCo, trở lại với tấm ảnh đã và đang tranh cãi về học sinh tiểu học đeo băng Focus. Trong ảnh, tất cả các em đều không cười.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.