Thiết bị xét nghiệm Covid-19: Một loại máy nhưng 'loạn' giá

30/04/2020 06:33 GMT+7

Cùng một hệ thống máy dùng xét nghiệm Covid-19 của một thương hiệu nhưng được các địa phương mua nhiều mức giá khác nhau, với những khoản chênh lệch lên tới hàng tỉ đồng.

3 tỉnh mua 3 giá

Liên quan vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đang được Bộ Công an điều tra, do liên quan đến việc mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động do Hãng Quiagen (Đức) sản xuất, Thanh Niên đã tìm hiểu và phát hiện hàng loạt dấu hiệu bất thường khác trong việc mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động do Hãng Roche (Thụy Sĩ) sản xuất tại nhiều địa phương.
Từ tháng 10.2019, CDC tỉnh Bắc Ninh mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động thông qua đấu thầu rộng rãi với mức giá 5,98 tỉ đồng. Nguồn vốn mua máy xét nghiệm trên được trích từ ngân sách tỉnh trong năm 2019.
Theo tìm hiểu, thời điểm CDC Bắc Ninh mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động là nhằm phục vụ cho việc xét nghiệm các bệnh phẩm HIV, viêm gan B..., đến nay đang được huy động xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm Covid-19. Hệ thống này có tên gọi đầy đủ là Cobas x 480, do Hãng Roche (Thụy Sĩ) sản xuất, bao gồm máy tách chiết DNA; máy thẩm định mẫu; máy Realtime PCR tự động; và phần mềm chuyên dụng kèm theo; máy tính và máy in nguyên hộp; vật tư và hóa chất tiêu hao.
Đầu năm 2020, sau khi diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp, nhu cầu xét nghiệm tăng cao, nhiều địa phương tiếp tục mua sắm thiết bị xét nghiệm. Đầu tháng 3, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình đã mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động Cobas x 480, nhưng với mức giá 7,89 tỉ đồng. Trong khi đó, cũng vẫn hệ thống này, Sở Y tế tỉnh Thái Bình mua vào đầu tháng 4 với giá 6,4 tỉ đồng.
Nếu ở Thái Bình, việc mua sắm hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động Cobas x 480 được thực hiện thông qua việc chỉ định thầu, doanh nghiệp được chỉ định là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (trụ sở ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội), thì tại Bắc Ninh và Ninh Bình, việc mua sắm thiết bị thực hiện qua đấu thấu rộng rãi và đơn vị trúng thầu tại 2 tỉnh này là Công ty TNHH thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt (gọi tắt là Công ty Tâm Việt, trụ sở tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội).
Đáng chú ý, dù đấu thầu rộng rãi, nhưng tại Bắc Ninh và Ninh Bình đều chỉ có duy nhất Công ty Tâm Việt tham gia và trúng thầu với mức giá nêu trên. Đại diện các đơn vị mua thiết bị trên đều khẳng định việc đấu thầu nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia và trúng giá là bình thường, vì đơn vị thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật về đấu thầu cũng như công khai kết quả trên mạng đấu thầu quốc gia.

Người trong cuộc nói gì ?

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động Cobas x 480 mà 3 tỉnh nêu trên mua đều có tính năng, thông số kỹ thuật như nhau, cùng một hãng sản xuất, nhưng mức giá chênh lệch nhau rất lớn.
Lý giải điều này, ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, cho biết ngoài hệ thống thiết bị Realtime PCR tự động Cobas x 480, đơn vị này còn phải mua kèm thêm khoảng 12 phụ kiện khác nhau là các thiết bị do Đức, Ý, Hàn Quốc, Trung Quốc… sản xuất thì mới vận hành được. “Nó giống như mình mua gạo rồi thì phải có nồi, có nước thì mới nấu được thành cơm”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Hành, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cho biết với khoản tiền 5,9 tỉ đồng bỏ ra, CDC Bắc Ninh đã có hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động Cobas x 480 trọn gói, đảm bảo đủ điều kiện cho việc vận hành xét nghiệm Covid-19 và nhiều loại bệnh phẩm khác. Tương tự, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, lý giải mức giá 6,4 tỉ đồng mà tỉnh này mua hệ thống thiết bị Realtime PCR tự động là trọn gói và đảm bảo vận hành được ngay.
Đáng chú ý, sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án tại CDC Hà Nội, Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã đàm phán lại với nhà thầu và được giảm 10% giá trị gói thầu, xuống còn 5,8 tỉ đồng, đồng thời được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác như được bảo hành sản phẩm lên 5 năm thay vì 1 năm.

Giá thực là bao nhiêu ?

Cũng theo tìm hiểu của Thanh Niên, trong giai đoạn 2018 đến nay, đã có hàng chục tỉnh, thành mua hệ thống thiết bị Realtime PCR từ nhiều hãng sản xuất phục vụ cho hoạt động xét nghiệm. Nhiều địa phương như Yên Bái, Đà Nẵng chỉ mua với mức giá dưới 2 tỉ đồng, trong khi nhiều tỉnh khác mua với mức giá gần 6 tỉ đồng, cá biệt có nơi gần 8 tỉ đồng.
Lý giải sự khác biệt về giá này, một lãnh đạo Vụ Trang thiết bị (Bộ Y tế) cho biết mức giá khác nhau do liên quan đến cấu hình, đời máy, xuất xứ... Cũng là hệ thống thiết bị Realtime PCR, nhưng có loại thường, loại bán tự động và tự động.
Trong vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, thông tin ban đầu cho biết, hệ thống thiết bị Realtime PCR tự động có giá nhập khẩu hơn 2,3 tỉ đồng, nhưng đã bị các doanh nghiệp mua bán lòng vòng, rồi thổi giá gần 7 đồng.
Trong khi đó, việc 3 tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình và Thái Bình mua sản phẩm cùng thương hiệu, cấu hình và trong thời gian khá sát nhau lại có giá chênh lệch lớn là điều khó hiểu. Được biết, thiết bị mà các nhà thầu cung cấp cho 3 tỉnh nêu trên đều mua qua Công ty Roche Việt Nam. Hiện nay, việc mua bán thiết bị y tế được thực hiện theo phương thức các cơ sở y tế mua sắm thông qua doanh nghiệp trong nước mà không mua trực tiếp từ nhà sản xuất.
Một số nguồn tin đã cung cấp cho Thanh Niên nhiều tài liệu thể hiện, hệ thống Realtime PCR tự động Cobas x 480 là tổ hợp máy, trong đó thành phần chính là máy tách chiết acid nucleic được nhập khoảng dưới 60.000 USD. Để làm rõ thực chất hệ thống Realtime PCR tự động Cobas x 480 khi nhập khẩu vào Việt Nam và bán cho các doanh nghiệp với giá bao nhiêu cũng như công năng vận hành, Thanh Niên đã liên lạc với nhà thầu cung cấp thiết bị tại 3 tỉnh nêu trên và Công ty Roche tại Việt Nam, nhưng đến nay chưa nhận được sự phản hồi.

Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm việc mua sắm bất minh

Liên quan đến mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR xét nghiệm virus SARS-CoV-2 phục vụ chống dịch Covid-19, chiều 29.4, trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, các địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Y tế đã gửi báo cáo về việc mua sắm máy xét nghiệm. Hội đồng thẩm định giá sẽ họp, đánh giá theo quy định về thẩm định giá.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, thống kê sơ bộ, có hiện tượng cùng hệ thống xét nghiệm của một nhà sản xuất nhưng giá chênh lệch tại các thời điểm mua sắm khác nhau. Một số đơn vị của Bộ Y tế có mua sắm hệ thống máy xét nghiệm PCR, nhưng không mua trong vụ dịch vừa rồi.
“Bộ Y tế luôn theo dõi việc mua sắm, đặc biệt với các đơn vị trực thuộc Bộ, cũng như một số địa phương. Chúng tôi đã nắm được thông tin một số hệ thống trang thiết bị y tế, đặc biệt hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, trong thời gian qua có giá thành bất thường ở một số địa phương như công luận đăng tải. Ngày 13.3, Bộ đã có công văn gửi Bộ Công an, trong đó nêu những thông tin mà chúng tôi ghi nhận được về việc mua sắm các trang thiết bị, cũng như vật tư y tế của một số đơn vị, và đề nghị Bộ Công an làm rõ”, ông Sơn cho biết thêm.
Về quan điểm của Bộ Y tế trong mua sắm trang thiết bị, đặc biệt có bất thường tại thời điểm chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Những vấn đề liên quan việc mua sắm một cách bất minh, quan điểm của Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm khắc, không để hình ảnh như vậy ảnh hưởng tới công cuộc chống dịch của ngành y tế và của người dân Việt Nam nói chung”.
Liên Châu

Nguyễn Nhật Cảm đã "phù phép" nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 lên 3 lần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.