Thiết bị y tế nằm chờ... bác sĩ
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2017, Bệnh viện (BV) đa khoa H.Nông Cống (Thanh Hóa) được một tổ chức nước ngoài hỗ trợ một máy mổ phaco. Tuy nhiên, chỉ sau ít lần được sử dụng để mổ cho gần 100 người dân, chiếc máy này phải "đắp chiếu".

Máy phaco ở BV đa khoa H.Nông Cống không hoạt động nhiều năm do không có bác sĩ vận hành
ẢNH: MINH HẢI
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc BV đa khoa H.Nông Cống, thừa nhận việc để không máy phaco là lãng phí thiết bị y tế, nhưng BV không thể vận hành được vì không có bác sĩ chuyên khoa và khó khăn khi mua vật tư y tế.
"Từ khi có máy đến năm 2021, BV tổ chức một số lần mời được bác sĩ chuyên khoa mắt ở các BV tuyến trên về vận hành, mổ phaco được gần 100 trường hợp. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay máy đành bỏ không. Máy có và luôn sẵn sàng, nhưng để mổ được thì phải có bác sĩ có bằng cấp mổ về mắt, mà BV chúng tôi không có. Ngoài ra, để mổ phaco thì phải có nhân, nhầy và dao. Quan trọng nhất là không có bác sĩ nên BV đành để không máy", ông Tuấn cho hay.
Không chỉ BV tuyến huyện, nhiều trạm y tế cấp xã cũng để không thiết bị y tế do không có bác sĩ sử dụng, như trường hợp máy siêu âm xách tay ở Trạm y tế xã Tam Chung của huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). Năm 2018, sau khi được phân bổ máy siêu âm xách tay, Trạm y tế xã Tam Chung không dám đem về trụ sở mà phải gửi nhờ ở trung tâm y tế huyện do không có bác sĩ có trình độ sử dụng máy. Đến đầu năm 2024, Trạm y tế Tam Chung mới đem máy về dù vẫn chưa có bác sĩ vận hành.
"Đem máy về trạm rồi, nhưng may ra mỗi tháng sử dụng được 2 - 3 lần vào các dịp tổ chức thăm khám sức khỏe cho người mang thai và người cao tuổi, vì những dịp đó mới có nhân viên y tế của trung tâm y tế huyện về, và họ mới có trình độ sử dụng máy", ông Hà Văn Oái, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tam Chung, cho hay.
Ở Thanh Hóa còn xảy ra tình trạng nhiều hệ thống máy chạy thận của các BV tuyến huyện "tê liệt" do không có tiền bảo dưỡng, sửa chữa khi hư hỏng. Tháng 4.2017, BV đa khoa H.Quảng Xương (Thanh Hóa) đưa hệ thống máy chạy thận (6 máy) giá trị hơn 3,4 tỉ đồng (tiền máy và hệ thống lọc nước RO) vào hoạt động, tạo điều kiện cho các bệnh nhân chạy thận không phải lên tuyến trên. Tuy nhiên, từ ngày 1.6.2023, hệ thống máy này dừng hoạt động do không có tiền bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy, đặc biệt là hệ thống RO.

Hệ thống máy chạy thận ở Bệnh viện đa khoa H.Quảng Xương thời điểm phải dừng hoạt động do không có tiền bảo dưỡng
ẢNH: MINH HẢI
Máy phóng xạ hơn 200 tỉ đồng bỏ phế
Ngày 24.1.2011, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt cho Sở Y tế Kiên Giang trang bị máy Cyclotron 18 MeV của dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị tỉnh Kiên Giang (BV Ung bướu tỉnh Kiên Giang) với tổng vốn gần 204 tỉ đồng. Trong đó, chi phí thiết bị hơn 175,9 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Vương quốc Bỉ; còn lại chi phí dự phòng hơn 18,5 tỉ đồng và các chi phí khác thuộc ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2011 - 2021.
Mục tiêu đầu tư máy Cyclotron để sản xuất các đồng vị phóng xạ, đặc biệt là F-18 sử dụng trong chụp hình PET với FDG phục vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch, thần kinh và ung thư. Đồng thời phân phối FDG, các dược chất phóng xạ có thời gian sống ngắn cho các BV trong khu vực ĐBSCL. Tháng 10.2015, nhà thầu đã lắp đặt hoàn thành cơ bản phần chính của máy. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, việc lắp đặt máy vẫn chưa hoàn chỉnh để đưa vào hoạt động.

Hệ thống máy Cyclotron tại Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị tỉnh Kiên Giang bỏ phế gần 10 năm
ẢNH: TRẦN NGỌC
Theo báo cáo của Sở Y tế Kiên Giang, máy Cyclotron chưa thể hoạt động do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, vào tháng 5.2017, trong thời gian lưu trữ thiết bị để lắp máy thì xảy ra vụ mất trộm 4,2/34,41 tấn chì phục vụ che chắn tia phóng xạ của máy (vụ việc đã được điều tra và xử lý - PV).
Ngoài ra, tháng 6.2017, nhà thầu IBA phát hiện hệ thống máy Cyclotron bị lỗi do ảnh hưởng nhiệt độ, độ ẩm, môi trường... khi vận chuyển, nhập khẩu, lưu kho nên không đồng ý bảo hành theo hợp đồng và yêu cầu gửi về nhà sản xuất tại Bỉ để kiểm tra, sửa chữa.
Sau đó, Sở Y tế Kiên Giang đóng gói thiết bị để gửi nhà sản xuất kiểm tra và xin bố trí kinh phí khắc phục. Tuy nhiên, do hàng hóa không thể hiện chứng từ chi tiết khi nhập khẩu đầu vào nên không xuất ra nước ngoài được.
Đến tháng 11.2020, nhà thầu IBA đến kiểm tra và yêu cầu Sở Y tế Kiên Giang hoàn thiện các điều kiện hiện trường, sẵn sàng cho việc lắp đặt tiếp theo thì dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên việc lắp đặt tạm ngưng cho đến nay.
Ngoài các nguyên nhân trên, ông Hàng Quốc Tuấn, Giám đốc BV Ung bướu tỉnh Kiên Giang, cho biết qua kiểm tra, tòa nhà Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị (nơi lắp đặt máy Cyclotron) cần phải sửa chữa, lắp đặt các thiết bị phù hợp để đảm bảo máy hoạt động.
Theo đó, hệ thống phòng đặt máy chưa có đồng hồ hiển thị áp suất; các van khí tại các phòng được lắp đồng hồ áp suất hiện chưa đúng theo yêu cầu; hệ thống làm mát máy chiller hư hỏng, liên tục bị ngắt, dẫn đến việc không có nước làm mát nên máy Cyclotron bị mất chân không và không chạy được hệ thống RF. Nhà thầu yêu cầu cấp giấy cho phép thử nóng hệ thống thiết bị Cyclotron, nhưng hiện nay chưa có quy định cấp phép chạy thử, khi đủ điều kiện chạy thử.
"Hệ thống máy Cyclotron sẽ sản xuất ra thuốc phóng xạ FDG-18 để phục vụ máy chụp PET-CT chẩn đoán, tầm soát ung thư đầu tiên ở khu vực ĐBSCL mà BV đã được trang bị. Nếu máy Cyclotron của BV hoàn thành đưa vào sản xuất thuốc phóng xạ được thì chúng tôi không chỉ chủ động phục vụ điều trị 300 bệnh nhân ung thư hiện nay mà còn điều trị bệnh nhân cho các tỉnh ĐBSCL. Do máy Cyclotron của BV chưa hoạt động được nên thời gian qua, chúng tôi không thể chủ động được nguồn thuốc phóng xạ FDG-18 phục vụ chụp máy PET-CT mà phải ký hợp đồng với BV Chợ Rẫy để cung cấp nguồn thuốc phóng xạ trong 2 năm khoảng 6 tỉ đồng", ông Hàng Quốc Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, hiện BV Ung bướu tỉnh Kiên Giang đã gửi thư cho nhà thầu IBA tại Bỉ, yêu cầu cử chuyên gia sang VN phối hợp với các chuyên gia trong nước kiểm tra, đánh giá tổng thể tình trạng máy Cyclotron đã lắp đặt nhằm hoàn thiện, đưa vào vận hành thử. Gần đây, nhà thầu Bỉ đã có thư phản hồi, cho biết sẽ cử người sang phối hợp đánh giá tình trạng của máy để triển khai các bước tiếp theo. Sau khi về nước, nhà thầu Bỉ sẽ tính toán chi phí và gửi báo giá hoàn thiện máy cho BV nắm để trình lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xem xét đầu tư thêm kinh phí hoàn thiện máy để sớm đi hoạt động, phục vụ điều trị bệnh nhân.
Bình luận (0)