Thiết bị y tế tiền tỉ ở Hải Dương ‘đắp chiếu’

20/11/2020 09:43 GMT+7

Nhiều đơn vị y tế công lập ở Hải Dương đã mua sắm thiết bị y tế nhưng chưa có thiết bị và nhân lực đủ điều kiện vận hành khiến nhiều máy móc hiện đại trị giá tiền tỉ nằm “đắp chiếu”.

Thiết bị đắt tiền mua về nhưng chưa sử dụng

Theo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bảo hiểm y tế tỉnh, Sở Y tế, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính và một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2014 - 2019, đoàn công tác đã kiểm tra 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở công lập thuộc Sở Y tế Hải Dương (tổng trị giá hơn 277 tỉ đồng).
Theo đó, năm 2018, có 2 gói thầu trị giá hơn 99,6 tỉ đồng mua thiết bị cấp cứu sản khoa, thiết bị nội soi và thiết bị cơ bản khác. Năm 2019 có 3 gói thầu trị giá 178 tỉ đồng mua sắm máy chụp X - quang, máy xét nghiệm và thiết bị y tế khác.
Kiểm tra tại trung tâm y tế các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, Thanh tra tỉnh Hải Dương ghi nhận phản ánh về hàng loạt thiết bị đắt tiền mua về nhưng chưa sử dụng.
Theo kết luận thanh tra, có 26 thiết bị với tổng trị giá trên 37,4 tỉ đồng đã tiếp nhận bàn giao nhưng chưa đưa vào sử dụng tại trung tâm y tế các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà và Kinh Môn.
Đó là máy hô hấp nhiệt độ công nghệ Plasma 50L, máy xét nghiệm huyết học 28 thông số, máy phân tích sinh hóa tự động 200 test/giờ, máy xét nghiệm đông máu tự động 52 test/giờ, máy xét nghiệm miễn dịch tự động 50 test/giờ, máy đo điện giải 3 thông số...

Mua thuốc không đúng thực tế

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Hải Dương cũng kết luận, gói thầu cung ứng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền năm 2016 - 2017; gói thầu cung ứng thuốc theo tên biệt dược gốc năm 2018 - 2019 và gói thầu cung ứng thuốc theo tên Generic nhóm 1 năm 2019 - 2020 đã xây dựng danh mục thuốc đấu thầu chưa sát với thực tế sử dụng.
Một số loại thuốc đăng ký mua số lượng lớn nhưng thực tế lại mua số lượng nhỏ. Một số loại thuốc được các cơ sở y tế công lập trong tỉnh mua vượt khối lượng quy định. Nhiều loại thuốc năm trước trúng thầu, sử dụng đạt tỷ lệ thấp, năm sau lại xây dựng kế hoạch với số lượng lớn nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn thấp.
Một số loại thuốc năm trước không lập kế hoạch đấu thầu nhưng năm sau xây dựng kế hoạch với số lượng lớn và sử dụng đạt tỷ lệ thấp. Đặc biệt, nhiều loại thuốc chữa bệnh chỉ có một nhà thầu tham dự và trúng thầu.
Tại kết luận, Thanh tra tỉnh Hải Dương cho rằng Sở Y tế Hải Dương chưa thường xuyên kiểm tra các đơn vị trúng thầu thực hiện hợp đồng cung ứng với các cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến không phát hiện và chưa kịp thời chỉ đạo.

Theo Sở Y tế Hải Dương, Trung tâm y tế H.Nam Sách có nhiều thiết bị đắt tiền chưa đưa vào sử dụng

Ảnh Lê Tân

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, cho biết một số thiết bị y tế ở các trung tâm y tế đã tiếp nhận nhưng chưa đưa vào sử dụng, sử dụng ít là do không có kỹ thuật viên vận hành thiết bị hoặc thiếu vật tư hóa chất đi kèm.
Để khắc phục, Sở Y tế Hải Dương đã yêu cầu các đơn vị chỉ được đăng ký mua thiết bị y tế khi có đầy đủ nhân lực vận hành, sử dụng máy móc, đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế, tránh tình trạng máy được đầu tư nhưng không sử dụng.
Mặt khác, Sở Y tế Hải Dương khẳng định sẽ yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị y tế thực hiện giải mã các thiết bị, không để xảy ra tình trạng máy móc chỉ sử dụng hóa chất, vật tư của hãng theo máy.
Theo Giám đốc Sở y tế Hải Dương, sở này đã yêu cầu các đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong quá trình đăng ký nhu cầu sử dụng hóa chất, thiết bị y tế cho những năm tiếp theo. Yêu cầu mỗi cá nhân có liên quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc lập dự trù, gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc đăng ký nhu cầu.
Nếu để xảy ra tình trạng đăng ký nhiều, sử dụng ít thì yêu cầu thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm. "Những lần đấu thầu sau sẽ yêu cầu các đơn vị phải cam kết sử dụng tối thiểu 80% lượng đăng ký cho từng mặt hàng. Quy định này sẽ được đưa vào nội dung văn bản ngay từ khi gửi các đơn vị xây dựng danh mục”, ông Phạm Mạnh Cường thông tin.
Liên quan đến việc xây dựng danh mục thuốc đấu thầu chưa sát với thực tế sử dụng, ông Phạm Đức Luyện, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược  (Sở Y tế Hải Dương), lý giải: "Số lượng, kế hoạch đấu thầu từng mặt hàng là số liệu ước lượng sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ khi có kết quả đấu thầu. Số liệu tổng hợp, xây dựng trước đó ít nhất là 6 - 7 tháng. Trong khi đó, số lượng thực tế sử dụng lại phụ thuộc mô hình, tình hình dịch bệnh mỗi năm nên số lượng thuốc tại thời điểm dự trù và khi sử dụng thực tế có sự chênh lệch".
Tuy nhiên, Sở Y tế Hải Dương cũng thừa nhận công tác thống kê, báo cáo, dự trù mua thuốc tại một số đơn vị chưa khoa học, chưa có phần mềm hỗ trợ, do vậy số lượng danh mục mặt hàng và số lượng từng mặt hàng chưa phù hợp với thực tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.