Thiết chế văn hóa cộng đồng

17/04/2024 06:18 GMT+7

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Không chỉ người người, nhà nhà tại TP.Đà Nẵng, mà người dân một số huyện thị của Quảng Nam cũng tìm về thưởng thức nhạc nước lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố bên sông Hàn.

Lâu lắm rồi tại TP.Đà Nẵng mới có một sản phẩm, thiết chế văn hóa công cộng thu hút đông đảo người dân, du khách quan tâm đến vậy, điều đó cho thấy khao khát về những thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí công cộng.

Có thể thấy quyết tâm của lãnh đạo TP.Đà Nẵng khi đầu tư và kêu gọi xã hội hóa gần 213 tỉ đồng để nâng cấp, tôn tạo, mở rộng đài tưởng niệm và quảng trường 29.3, được xem là "mặt tiền" của TP.Đà Nẵng.

Thử nghiệm dàn nhạc nước, quảng trường 29.3 ở Đà Nẵng vui như lễ hội

Trong công cuộc đô thị hóa từ 1997, TP.Đà Nẵng đã có những bài học lịch sử về việc "quên" quảng trường, công viên, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Không chỉ đầu tư công, việc giám sát triển khai các dự án khu đô thị cũng "quên" các thiết chế văn hóa bởi tối ưu lợi nhuận bằng phân lô bán nền, đến nỗi tại một khu đô thị được đặt tên là sinh thái, nhưng công viên, quảng trường quá ít so với quy mô và nhu cầu ngày càng cao của cư dân.

Nhưng có hạ tầng rồi, càng cần phải hoạt động, có sản phẩm để phát huy hiệu quả, tránh lãng phí những cơ sở vật chất này. Công viên APEC thời gian qua thường xuyên sáng đèn, nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Q.Sơn Trà với thiết kế cánh chim hải âu độc lạ cũng là địa điểm check-in mới, không gian bờ đông - tây cầu Rồng cũng là một điểm hẹn văn hóa quen thuộc…

Không chỉ TP.Đà Nẵng, bất kỳ địa phương nào cũng cần những giá trị vì cộng đồng như vậy. Thêm nhiều thiết chế văn hóa đó là góp thêm những viên gạch vững chãi trên hành trình xây dựng, hướng đến thành phố đáng sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.