'Thiệt đơn, thiệt kép' từ heo lậu

14/01/2021 05:05 GMT+7

Giá thịt heo của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn chính thức tăng thêm 15.000 đồng/kg, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, thịt heo trong nước vẫn đang đối diện vấn nạn heo lậu ra, vào Việt Nam.

TP.HCM “bấm nút” cho tăng giá thịt heo bình ổn

Ngày 12.1, Sở Tài chính TP.HCM thông tin có 8 sản phẩm thịt heo trong chương trình bình ổn giá được áp dụng tăng từ 6.000 - 15.000 đồng/kg, tương ứng tỷ lệ tăng từ 4,1 - 10%. Cụ thể, thịt heo đùi từ 145.000 đồng tăng lên 151.000 đồng/kg; thịt vai từ 145.000 đồng lên 158.000 đồng/kg; thịt cốt lết từ 140.000 đồng lên 153.000 đồng/kg; chân giò 129.000 đồng lên 139.000 đồng/kg; thịt nách từ 127.000 đồng lên 137.000 đồng/kg; thịt nạc vai, đùi từ 175.000 đồng tăng lên 190.000 đồng/kg; xương đuôi heo 103.000 đồng lên 113.000 đồng/kg; xương bộ heo 77.000 đồng lên 85.000 đồng/kg.
Cách điều hành bình ổn thị trường thịt heo của chúng ta khá chắp vá, chỉ giải quyết tình thế và đối diện độ rủi ro rất cao cho an toàn trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Trí Công
Trong khi đó, một số mặt hàng cùng loại của thương hiệu thịt mát Meat Deli (không nằm trong chương trình bình ổn giá của TP.HCM) lại có giá thấp hơn giá thịt bình ổn và đến ngày 13.1 vẫn chưa có sự thay đổi theo chiều hướng tăng. Chẳng hạn, thịt nạc đùi của Meat Deli giá 146.000 đồng/kg, nạc vai 172.000 đồng/kg, cốt lết 141.000 đồng/kg. Trên thị trường, hiện cao nhất với mặt hàng thịt heo là ba rọi rút xương của Vissan bán tại Co.opMart Extra giá 270.000 đồng/kg, hoặc sườn non giá 265.000 đồng/kg của Meat Deli…
Theo Sở Tài chính TP.HCM, có 4 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn được áp dụng mức tăng giá thịt kể trên gồm hệ thống siêu thị Big C tại TP.HCM, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Sở Tài chính TP.HCM cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá dựa trên kiến nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình và thực tế biến động của giá heo trên thị trường, đặc biệt mức tăng giá heo hơi. Ngoài ra, thời điểm này tăng giá vẫn đảm bảo yếu tố “không tăng giá trong một tháng trước Tết âm lịch” nhằm bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân sắm tết.
Trên thị trường tự do, giá heo hơi ngày 13.1 tiếp tục tăng mạnh, nhiều nơi ở miền Nam đã tiến sát mốc 85.000 đồng/kg, bằng giá heo hơi ở miền Bắc. Ngày 13.1, giá heo hơi của công ty chăn nuôi lớn là CP VN cũng lên cao nhất 81.000 đồng/kg. Tại Trung Quốc cũng tăng mạnh với mức dao động từ 123.000 - 132.000 đồng/kg heo hơi, cao hơn VN 50.000 đồng/kg. Thế nên, thị trường đã xuất hiện tình trạng đưa heo từ VN sang Trung Quốc tháng giáp tết để bán lấy lời trong bối cảnh giá heo hơi trong nước tăng mỗi ngày.
Ngày 11.1, Bộ NN-PTNT cũng có công điện gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) và UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương, đề nghị tăng cường kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm từ heo qua biên giới giữa Việt Nam và các nước. Cụ thể là vận chuyển heo trái phép từ Việt Nam qua Trung Quốc do chênh lệch giá giữa hai nước. Bộ này cũng cảnh báo việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo kiểu này sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm heo... giữa các nước với Việt Nam.

Nên ngưng nhập khẩu heo sống từ Thái?

TS Võ Văn Sự, chuyên gia thú y thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia, cho rằng với những hành vi vận chuyển heo và sản phẩm từ heo từ các nước đến Việt Nam và từ Việt Nam đi đều tiềm ẩn nguy cơ khiến dịch bệnh trong chăn nuôi “chạy lòng vòng” không hồi kết.
Ông Sự nói: “Công điện không hề đề cập đến việc heo lậu đã và đang được tuồn từ Thái Lan vào Việt Nam mỗi ngày do Bộ NN-PTNT trước đó đã cho nhập khẩu heo sống chính ngạch về để giết mổ lấy thịt nhằm “hạ nhiệt” cơn bão giá trong nước. Nguyên tắc của chống dịch là phải khoanh vùng để dập nhanh nhất, nhưng việc chúng ta cho nhập heo thịt sống về (chính ngạch lẫn tiểu ngạch) nhằm đáp ứng thói quen ăn thịt “nóng” của người dân là làm hại ngành chăn nuôi trong nước. Và nếu nói là “tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh” là liên quan dòng heo sống giết thịt từ ngoài vào Việt Nam chứ không phải heo sống từ Việt Nam đi ra nước khác, hệ lụy từ chính sách cho nhập khẩu heo sống để giết thịt với ngành chăn nuôi vô cùng lớn”.
Theo một thành viên của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Việt Nam cho nhập khẩu heo sống để giết mổ từ Thái vào giúp hạ nhiệt thị trường trong nước, nhưng kết quả không như kỳ vọng. Giá heo hơi từ mấy tháng qua vẫn tăng mạnh, trong tháng qua đã tăng đến 10 - 15 giá. Như vậy, bình ổn giá, giúp “hạ nhiệt” giá trong nước chưa thấy đâu nhưng các loại bệnh trong chăn nuôi đối với heo lại có xu hướng tăng.
“Có một thực tế mà Bộ NN-PTNT đã quên chưa nhìn thẳng vào sự thật trước khi đưa ra công điện này là buông lỏng cho nhập khẩu heo sống từ Thái vào Việt Nam trong mấy tháng qua qua đường tiểu ngạch đã khiến heo nuôi trong nước phát sinh lại các bệnh lở mồm long móng, tai xanh bên cạnh bệnh dịch tả heo châu Phi mà thế giới chưa có vắc xin ngừa. Heo chính ngạch có kiểm soát tương đối số lượng nhập không cao do quy định cách ly 15 - 30 ngày khiến doanh nghiệp không lãi. Đa số vẫn là heo nhập tiểu ngạch, về 35 - 40 xe mỗi đêm tại các vùng biên, đường mòn, lối mở… Hơn 1 tháng qua, giá heo hơi tăng do khan hàng, do lượng heo bị nhiễm bệnh nhiều quá, rất nhiều trại từng có kế hoạch nuôi để bán heo dịp tết đành phải bán trước khi đạt trọng lượng 60 - 70 kg vì dịch tai xanh, lở mồm long móng...”, vị này cho biết.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng để heo sống nhập lậu từ Thái vào và nay lại bị “tuồn” lậu sang Trung Quốc đều khiến ngành chăn nuôi trong nước khó chồng khó mà thôi. Heo lậu vào, không kiểm soát được dịch bệnh, khiến ngành chăn nuôi tái đàn chưa được bao nhiêu, phải lo bán tháo để tránh dịch, đẩy giá thành trong nước tăng. Heo lậu không an toàn tuồn vào nước, được giết mổ, gây nhiễm chéo các dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Trong khi đó, giá heo giữa Trung Quốc cao hơn, về quy luật cung - cầu thì “con buôn” tìm mọi cách “tuồn” heo sang bên đó để kiếm lời. Lượng heo nội địa cung cho thị trường trong nước còn chưa đủ, lại bị mua gom đưa đi Trung Quốc, đẩy giá trong nước tăng. Như vậy, người tiêu dùng lại chịu nhiều thiệt thòi, thiệt đơn thiệt kép...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.