Thiết kế 'luồng xanh' để hút vốn đầu tư như Trung Quốc, Dubai

06/11/2024 20:46 GMT+7

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhắc đến câu chuyện thần tốc trong cấp phép và phê duyệt dự án của Trung Quốc, Dubai và cho biết luật Đầu tư đang sửa đổi theo hướng thiết kế 'luồng xanh' để hút vốn đầu tư.

Chiều 6.11, Quốc hội thảo luận về 1 luật sửa 4 luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tinh thần sửa luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư về tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực.
Thiết kế 'luồng xanh' để hút vốn đầu tư như Trung Quốc, Dubai- Ảnh 1.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

ẢNH: GIA HÂN

Với luật Quy hoạch, việc đề nghị bổ sung điều chỉnh thủ tục rút gọn đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian. "Theo tính toán của chúng tôi sẽ rút ngắn được khoảng 300 ngày", ông Dũng nói.

Với luật Đầu tư, dự thảo luật thiết kế "luồng xanh" để thu hút vốn đầu tư. Bộ trưởng KH-ĐT cho biết ông từng báo cáo ở Quốc hội về việc Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỉ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày. Hay Dubai xây dựng một thành phố 600 ha, 500 tòa nhà, trị giá 20 tỉ USD mà làm đúng 5 năm.

"Tại sao người ta lại làm được như vậy? Ở Dubai, cả một dự án như vậy không sai một ngày. Quốc vương Dubai chỉ duyệt nhiệm vụ thiết kế với 2 tiêu chí là không nhà nào giống nhà nào, từ điểm này đến điểm kia không phải đường thẳng. Mà chúng ta cả nghiên cứu phải mất hàng năm mới ra được nhiệm vụ thiết kế", ông Dũng nói.

Xuất phát từ điều này, cơ quan soạn thảo thiết kế luật theo hướng những dự án công nghệ cao nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì được phép đăng ký đầu tư chứ không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong 15 ngày phải cấp giấy cho họ.

"Cấp xong giấy, nhà đầu tư cam kết thực hiện 3 vấn đề là xây dựng, đánh giá tác động môi trường phòng cháy và chữa cháy theo quy định đã ban hành và cứ thế là làm. Sau này nếu có vi phạm, hậu kiểm thì anh phải chịu trách nhiệm", ông Dũng nêu.

Về đấu thầu theo PPP, sẽ quay lại hợp đồng BT "bằng đất" và BT "bằng tiền". Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) trước đây đã thực hiện nhưng sau đó phải dừng. Theo ông Dũng, với đề nghị của nhiều địa phương hiện nay, Bộ KH-ĐT xin phép khôi phục lại "nhưng với một phương thức quản lý mới, chặt chẽ hơn để làm sao đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư không bị thất thoát, minh bạch".

Theo đó, xác định giá đất đai, phải đấu thầu, cho cơ chế thanh toán bù trừ ngang giá. Sau này nếu giá đất lên thì định giá lại, nếu thiếu thì nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đóng đủ bằng giá đất thực tế ở thời điểm đó, nếu thấp hơn thì nhà nước trả lại bằng tiền cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, về xử lý vướng mắc với các dự án BT chuyển tiếp, ông Dũng cho biết "đây là một vấn đề rất phức tạp". Sơ bộ thống kê tổng hợp có 160 dự án BT chuyển tiếp khoảng 59.000 tỉ, nhưng thực chất còn nhiều hơn thế rất nhiều ở các địa phương.

Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo với trưởng ban là phó thủ tướng thường trực, có cả các ngành công an, tòa án, kiểm sát... Nếu giải quyết được vấn đề này, sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển, giúp được rất nhiều doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.