Thiệt thòi sau khi nhường đất mở đường, xây cầu

22/04/2022 06:23 GMT+7

Sau 24 năm nhường nhà, đổi đất ở của gia đình để làm công trình công cộng, hàng chục hộ dân ở Nghệ An vẫn không được cấp sổ đỏ cho mảnh đất được đền bù vì bị cho là cấp đất sai thẩm quyền.

Nhường nhà, đất ở để mở đường

Năm 1998, khi đang sinh sống trên mảnh đất thừa kế ở xã Quỳnh Phương (nay là P.Quỳnh Phương, TX.Hoàng Mai, Nghệ An), gia đình bà Nguyễn Thị Hồng được chính quyền xã Quỳnh Phương vận động di dời để xây cầu Đền Cờn và mở con đường nối từ QL1A xuống biển. Sau khi thu hồi mảnh đất 200 m2 và căn nhà xây khang trang của bà Hồng, chính quyền xã đền bù cho bà một mảnh đất gần biển, cách đất ở cũ gần 1 km và chỉ rộng 175 m2. Bà Hồng cho hay khu tái định cư lúc đó là khu đất ven biển đang bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Để xây dựng cầu Đền Cờn và con đường nối từ cầu xuống đường ven biển, hàng chục hộ dân đã phải nhường nhà, đất

K.HOAN

Tuy nhiên, vì nghĩ lợi ích của cộng đồng khi có chủ trương xây cầu nối qua sông Mai Giang và mở đường xuống biển nên vợ chồng bà không tính thiệt hơn. “Lẽ ra chúng tôi phải buộc xã đền nhà và đất, nhưng vợ chồng tôi nghĩ xã khó khăn, mình hy sinh để có cầu đi lại và chỉ được đền mảnh đất này. Sau đó, do không có tiền nên chúng tôi dựng nhà tạm để ở trên mảnh đất mới và ở cho đến nay”, bà Hồng nói.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Thành cũng bị một phần cầu và con đường chạy qua cắt vào đất ở của gia đình 16 m mặt tiền bám đường làng. “Khi đó, bố mẹ tôi chỉ được đền một mảnh đất trên thửa ruộng hoang rộng 190 m2 gần biển. Sau khi lập gia đình, tôi được bố mẹ cho làm nhà trên lô đất này và ở cho đến nay. Tôi đã nhiều lần đi làm thủ tục để cấp sổ đỏ nhưng không được”, anh Thành cho hay.

Theo báo cáo của UBND P.Quỳnh Phương, thời điểm đó, do chính sách thu hồi đất chưa quy định rõ ràng nên chính quyền xã đã thực hiện vận động người dân đổi đất để xây dựng cầu, đường và các công trình công cộng. Hiện còn 34 trường hợp tương tự, được UBND xã Quỳnh Phương (cũ) giao đất ở do đền bù giải phóng mặt bằng, đổi đất ở lấy mặt bằng làm công trình, nhưng đất vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Giấy tờ nguồn gốc các lô đất mà các hộ dân nắm giữ là văn bản giao đất của xã được UBND xã Quỳnh Phương xác nhận ở thời điểm giao đất.

Người dân thiệt thòi

Từ nhiều năm qua, hàng chục hộ dân nói trên đã làm thủ tục để được cấp sổ đỏ cho mảnh đất của mình, nhưng đến nay vẫn bị tắc vì bị cho rằng đất do UBND xã Quỳnh Phương (cũ) giao trái thẩm quyền.

Năm 2021, để xử lý vụ việc này, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TX.Hoàng Mai đã tham vấn cơ quan thuế tỉnh Nghệ An và được cơ quan thuế hướng dẫn áp dụng điểm C, khoản 1, điều 8, Nghị định 45/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất (SDĐ). Theo đó, các hộ dân này phải nộp tiền SDĐ bằng 50% tiền SDĐ đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở theo giá đất quy định tại bảng giá đất và bằng 100% tiền SDĐ đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có).

Trên cơ sở phúc đáp này, ngày 27.8.2021, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TX.Hoàng Mai có văn bản gửi UBND TX.Hoàng Mai về việc dự tính nghĩa vụ tài chính đối với các hộ dân này. Theo bảng giá đã được dự tính thì hộ dân đóng thấp nhất là 652 triệu đồng, hộ cao nhất là 1,5 tỉ đồng. Người dân cho rằng mức thuế này quá lớn khiến họ không thể đáp ứng được. “Chúng tôi đã thiệt đủ đường, nay phải nộp mức thuế này nữa thì quá phi lý”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Ông Phan Thế Huy, Phó chủ tịch UBND P.Quỳnh Phương, cho biết phường đã nhiều lần báo cáo UBND TX.Hoàng Mai để xin ý kiến tháo gỡ vướng mắc trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người dân. UBND TX.Hoàng Mai đã xin ý kiến của các sở ngành liên quan để xử lý nhưng đang vướng vì hồ sơ lưu trữ tại xã không có phương án giải phóng mặt bằng được cấp thẩm quyền phê duyệt, không có hồ sơ về xây dựng và quyết toán các công trình thời điểm đó thể hiện việc đổi đất lấy mặt bằng làm công trình. Ông Huy cũng cho biết TX.Hoàng Mai cũng đang chỉ đạo phường tiếp tục rà soát, bổ sung các hồ sơ và dữ liệu lưu trữ để trình UBND tỉnh Nghệ An tìm cơ chế đặc thù để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.