Thiếu bóng Kơ nia

27/02/2015 11:45 GMT+7

Cây Kơ nia, một biểu trưng của Tây nguyên bất khuất, như một 'sử làng' đối với các cộng đồng bản địa đang có nguy cơ mất bóng.

Cây Kơ nia, một biểu trưng của Tây nguyên bất khuất, như một “sử làng” đối với các cộng đồng bản địa đang có nguy cơ mất bóng.

Những cây Kơ nia cổ thụ hiếm hoi còn sót lại ở vùng biên giới H.Ia Grai - Ảnh: Trần Hiếu

Sự kết hợp giữa thơ và nhạc đã đưa bài thơ Bóng cây Kơ nia của nhà thơ Ngọc Anh vang xa, thể hiện sự chân chất, đằm thắm nhưng cũng chất chứa tình cảm mãnh liệt của người dân Tây nguyên.

 Trời sáng em lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ nia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh, không ngủ…

Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ nia
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc...

Vùng thiêng ký ức Kơ nia

Từ TP.Pleiku (Gia Lai), ngược lên 70-80 km đến các xã vùng biên Ia Chía, Ia O, H.Ia Grai, giáp giới Campuchia, thảng hoặc mới bắt gặp một cây Kơ nia. Dọc đường lên biên giới những ngày cuối năm, giữa những cơn gió bất chợt nổi nên cuốn tung bụi đỏ là một vài bóng cây Kơ nia cổ thụ, lá xanh thẫm nổi bật trong không gian chớm mùa khô cao nguyên. Loại cây có hình dáng quả trứng độc đáo này đang ít dần, mất dấu từ những cộng đồng làng.

Những người già ở các cộng đồng làng còn nhớ ngày xưa, Kơ nia mọc rất nhiều. Cứ đi mỏi chân trên rẫy trong những ngày gắt nắng, muốn dừng bước thì có sẵn một cây Kơ nia để nghỉ ngơi. Kỳ lạ thay, loại cây chả ai nhân giống nhưng cứ vậy, cách một quãng đường lại có một cây tỏa bóng mát. Già làng ở xã Ia O, Ksor Bơng năm nay đã trên 70 tuổi kể: “Làng mình hồi trước có nhiều cây Kơ nia to lắm, hai ba người ôm mới hết. Đi xa, mình nhớ những bóng cây Kơ nia. Còn nhớ năm 1978, lúc mình đi học ở tỉnh Kon Tum, cô giáo cho đề bài hãy tả về làng nơi mình sinh sống. Lúc đó mình đã tả về cây Kơ nia. Bài văn này được cô giáo cho 7 điểm, được khen hay đấy…”.

Cây Kơ nia mà già Bơng kể ngày nay vẫn hiển hiện, mà theo người làng là tuổi của nó có thể hơn cả trăm năm. Theo những người già trong các làng thì Kơ nia có cây đực và cây cái. Cây cái thì mỗi năm hoặc hai ba năm sẽ cho quả. Trong ký ức của mí Nhơn vẫn vẹn nguyên cảm giác thích thú khi đám trẻ làng ngày ấy hồi hộp chờ nhặt những quả Kơ nia về đập ăn với vị béo, thơm quyện nơi chót lưỡi. Và những trò chơi đuổi bắt nơi làng nghèo, quanh gốc cây Kơ nia trở thành một ký ức chẳng thể nào phai đối với người làng. Giọng mí Nhơn chợt trầm xuống: “Đám trẻ ngày nay chúng chỉ biết đấy là cây Kơ nia chứ không như mình ngày xưa. Đi đâu xa cũng nhớ về làng với bóng cây Kơ nia cổ thụ che bóng mát”.

Kơ nia cũng là chứng nhân của những biến đổi làng buôn, biểu trưng cho sự bất khuất của Tây nguyên. Và điều đặc biệt, rất ít khi loại cây này mọc tập trung. Chính điều này khiến loại cây...“mồ côi” Kơ nia như một ám ảnh nhân sinh trong các cộng đồng làng. Một đặc điểm nữa cũng rất đặc biệt là gỗ Kơ nia rất chắc, muốn cưa thì phải chọn lúc cây còn ướt nhưng khi xẻ ván rồi thì lại dễ bị mọt. Người bản địa dùng gỗ Kơ nia để làm thớt.

Nhưng điều ám ảnh nhất chính là những chiếc cối bằng gỗ Kơ nia. Một số nơi người bản địa Jrai, Bahnar dùng một đoạn gỗ Kơ nia đẽo, khoét thành một chiếc cối lớn. Ngày trước không có máy xay xát nên người bản địa chỉ dùng cối giã bằng sức nước hay bằng tay. Cứ mỗi một nhà 4, 5 người phải giã mỗi tuần một cối gạo. Những tiếng chày cụp cum vang lên trong các làng buôn và những chiếc cối bằng gỗ Kơ nia cứ mòn lại được khoét sâu, trở thành ký ức chẳng thể nào quên với nhiều người. Có khi, cuộc đời của những người phụ nữ bản địa chỉ dùng mỗi một chiếc cối như thế. Nay, những chiếc cối bằng gỗ Kơ nia hiếm dần.

Cho đến khi bài thơ Bóng cây Kơ nia của nhà thơ Ngọc Anh và bài hát cùng tên do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, người dân Việt mới hiểu phần nào bản chất, con người Tây nguyên. Cũng là một loại cây bình thường, từ đây, Kơ nia trở thành “danh mộc”. Và thực ra, trong các cộng đồng làng của miền cao nguyên, loại cây này đã hiển hiện và thân thuộc trong tâm thức của người dân bản địa.

Chiếc cối bằng gỗ Kơ nia đã hơn 30 tuổi của gia đình già Bơng Chiếc cối bằng gỗ Kơ nia đã hơn 30 tuổi của gia đình già Bơng - Ảnh: Trần Hiếu

Nguy cơ hiếm bóng Kơ nia

Nạn phá rừng, văn hóa ngoại lai xâm nhập vào các làng buôn khiến Kơ nia ngày càng ít đi. Nhiều vùng đã đốn hạ những cây Kơ nia cổ thụ dễ cả trăm năm phục vụ dân sinh. Loại cây vô danh trở thành một trong những biểu tượng của hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, là sự nhớ thương một thời chia cắt sơn hà đang hiếm dần. Già làng Ma Jing ở H. Krông Pa - vùng đông nam Gia Lai nói: “Sau năm 1975 vùng này có nhiều Kơ nia lắm. Có nhiều cây lớn, vài người ôm không xuể. Giờ thì hết rồi. Mọi người chặt lấy gỗ bán cho các lò sấy thuốc lá”.

Theo già Jing, vùng đất này từng có hàng ngàn cây Kơ nia. Ngày trước khi phát rẫy người bản địa thường để lại cây Kơ nia để lấy bóng mát. Những người mẹ địu con lên rẫy đã để con mình dưới bóng Kơ nia. Và có biết bao những đứa trẻ đã lớn lên dưới bóng cây, trên lưng mẹ như thế, để mẹ trỉa bắp, trỉa lúa nuôi con, nuôi làng, nuôi bộ đội. Giọng già Jing chợt lắng xuống khi hồi nhớ ông cũng là bộ đội những ngày chống Mỹ: “Nhớ những lúc hành quân mùa khô. Vùng chảo lửa Krông Pa nắng cháy. Trên đường đi, thỉnh thoảng lại có một bóng Kơ nia mát rượi. Mọi người tranh thủ tạt vào bóng cây Kơ nia để nghỉ ngơi, dở bi đông uống vài ngụm nước mát rượi là đỡ mệt nhiều”.

Chỉ độ hơn chục năm trở lại đây, hàng ngàn cây Kơ nia đã bị đốn hạ không thương tiếc. Loại cây từng là biểu tượng của Tây nguyên trở thành mục tiêu của những chủ lò sấy thuốc lá. Mí Tuân, một người dân ở xã Chư Drăng, H.Krông Pa nói: “Nhà nào có Kơ nia họ cũng vào hỏi. Mỗi cây mua cả tiền triệu vì lửa cháy rất đượm và than lâu tàn. Vậy là mọi người thi nhau chặt bán. Nhiều cây to vài người ôm cũng bị chặt. Tiếc quá!”

Cách đây chưa lâu, dư luận hết sức bức xúc khi nhiều cây Kơ nia ở H.Krông Pa cao hàng chục mét, hai, ba người ôm mới xuể đã bị đốn hạ nằm chỏng chơ bên đường. Không hiểu những cây Kơ nia - chứng tích của những cộng đồng làng buôn này được hợp lý hóa thủ tục như thế nào để phục vụ mục đích dân sinh. Anh Nay Hem, một cán bộ của xã Chư Drăng cho biết xã đã ngăn không cho người vào mua Kơ nia và vận động người dân nên còn giữ được một ít cây. Được biết, xã này từng có nhiều cây Kơ nia nhất huyện với hàng trăm cây thì nay chỉ còn chưa đến chục cây Kơ nia cổ thụ. Một số cây Kơ nia cổ thụ ở trong rừng sâu nếu chặt sẽ vận chuyển khó khăn nên may mắn còn giữ lại được.

Từ khi có bài hát Bóng cây Kơ nia, nhiều người VN mới biết đến loại cây này. Và Kơ nia dần trở nên phổ biến khi nhiều cơ quan, công sở của các tỉnh Tây nguyên đã trồng loại cây này trong khuôn viên công sở. Kơ nia cũng được vinh dự trồng trong lăng Bác và nhiều nơi trên cả nước. Cách đây hơn hai năm, khi Gia Lai xây dựng Quảng trường Đại Đoàn Kết đã cho trồng 10 cây Kơ nia, phía sau Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên. Dẫu vậy, khu vực Tây Nguyên dần thiếu đi những cây Kơ nia cổ thụ là thực tế khi không gian Làng - Rừng đang bị xâm lấn nghiêm trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.