Tài liệu lạc hậu, giáo viên không được đào tạo chuyên môn nên hoạt động hướng nghiệp trong trường phổ thông đang mang tính hình thức.
Học sinh Q.Tân Bình (TP.HCM) trong một tiết học hướng nghiệp - Ảnh: Q.H
|
Khi đề cập đến hoạt động hướng nghiệp trong trường phổ thông, bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa, giáo viên Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), đã thốt lên: “Dạy cho học sinh mà ngượng quá. Nội dung chương trình hàn lâm, xưa cũ lắm rồi, không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay”.
Chẳng hạn, các số liệu đề cập trong bài Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương đều từ năm 2004 - 2005, hay bài về các ngành nghề địa phương thì chỉ nói đến những nghề lao động thủ công…
Một giáo viên tại Q.Tân Phú cho biết bác sĩ hiện nay đâu chỉ có ống nghe và dao mổ mà còn tiếp xúc với bao nhiêu máy móc hiện đại. Hay với ngành công nghệ sinh học, trong lĩnh vực nông nghiệp đã nghiên cứu trồng nhiều loại trái cây không hạt, trái mùa, năng suất cao… mà nội dung chủ đề Thế giới quanh ta hoàn toàn không đề cập tới.
Chuyên viên phụ trách hoạt động hướng nghiệp của một quận cũng xác nhận tài liệu quá lạc hậu, biên soạn từ đầu những năm 2000 đến giờ không có sự đổi mới. Ngoài ra, giáo viên dạy hướng nghiệp là những người dạy không đủ tiết nghĩa vụ nên kiêm nhiệm, không nắm rõ hệ thống giáo dục, chỉ số nghề, họa đồ của từng ngành nghề nên không thể tư vấn cho học sinh.
Cán bộ phụ trách công tác này tại Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết hằng năm Sở đều quy định ngoài đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 công lập, dựa vào học lực, giáo viên tư vấn cho học sinh những mô hình trường phù hợp như CĐ nghề, TCCN… Nhưng có giáo viên thực hiện không tốt, cứ ép học sinh đăng ký chọn trường có điểm chuẩn thấp, ở xa nhà, không có điều kiện đi lại. Về sau, học sinh không cảm thấy hứng thú dẫn đến bỏ học. Trong trường hợp này, nếu được tư vấn học nghề thì có khi lại thành đạt. Cán bộ phụ trách này chia sẻ: “Nhiều khi muốn bắt lỗi giáo viên cũng thấy ngại vì không có trường nào đào tạo giáo viên chính quy, không có biên chế”.
Có giáo viên nói: “Một mặt Bộ cứ kêu gọi đẩy mạnh công tác hướng nghiệp học sinh nhưng cái gốc của vấn đề lại không quan tâm”. Bà Quỳnh Hoa thẳng thắn nói: “Hằng năm Bộ phải cập nhật, bổ sung những thông tin cần thiết. Đành rằng giáo viên có trách nhiệm tìm những thông tin mới, làm phong phú bài giảng, tạo hứng thú cho học trò nhưng không thể giao phó hết cho người dạy khi nội dung tài liệu đã lạc hậu hoàn toàn. Ngoài ra, giáo viên cũng đâu được đào tạo đúng chuyên ngành là làm công tác hướng nghiệp nên không thể hiểu, nắm vững các lĩnh vực, định hướng nghề nghiệp”.
Bình luận (0)