Theo Bloomberg, Hội nghị Thị trường và Nguồn cung Lithium diễn ra ở Santiago, thủ đô Chile, trong tuần này không thu hút được nhiều nhà đầu tư và nhà quản lý quỹ đến tham dự. Tình hình này rất khác so với năm ngoái, khi giá khoáng sản dùng để sản xuất pin xe điện ở mức cao kỷ lục. Năm nay, giá giảm 17%.
Tobias Tetter, Giám đốc quản lý quỹ Commodity Capital ở Thụy Sĩ cho biết: “Rất nhiều dòng vốn chịu rủi ro từng đổ vào ngành lithium giờ sang mảng cần sa”. Ngành lithium “đìu hiu” giữa lúc rất cần nhiều vốn, không chỉ từ các hãng ô tô và hóa chất mà còn từ các nhà đầu tư và quản lý quỹ nói cung.
Các hãng khai thác lithium cần hàng tỉ USD tiền đầu tư để mở rộng sản xuất, theo kịp nhu cầu dự kiến tăng với mức hai chữ số trong những năm tới, theo Anthony Tse, Giám đốc điều hành hãng sản xuất lithium Galaxy Resources. Thị trường hiện khá dư cung song nhu cầu được dự báo đi từ mức 325.000 tấn năm ngoái lên 1 triệu tấn năm 2025.
Theo ông Tse, ngành khai thác lithium cần khoảng 1 tỉ USD tiền đầu tư để bổ sung 600.000 tấn công suất mới. Đơn cử, Nemaska Lithium huy động thành công 824 triệu USD cho dự án Whabouchi ở Canada năm ngoái song hồi tháng 2 tuyên bố họ cần thêm vài trăm triệu USD nữa để hoàn tất xây dựng mỏ.
“Trừ phi chúng ta bắt đầu thấy dòng vốn và tiền đầu tư lớn trong mảng này, rất khó để có lượng cung đủ đáp ứng nhu cầu. Bạn có thể xây nhà máy làm xe điện nếu muốn, nhưng nếu không có đủ nguyên liệu thô thì dây chuyền sản xuất không chạy được”, ông Tse chia sẻ. Công ty Galaxy Resources của ông đang vận hành mỏ Mt. Cattlin ở Úc và phát triển dự án ở Canada, Argentina.
Một nhà đầu tư cho hay: “Rất nhiều khoản vốn đầu cơ đã chuyển sang mảng cần sa và tiền mã hóa. Nhiều người kiếm được nhiều tiền và tôi mong rằng họ sẽ đầu tư số tiền đó vào lại hoạt động khai thác cơ sở”. Với một số doanh nghiệp, việc huy động vốn có dễ dàng hơn một chút. Đơn cử, Argosy Minerals ở Úc có dự án lithium ở Argentina và vừa huy động được 9 triệu USD cách đây hai tháng.
Bình luận (0)