Điệp khúc "chờ"
Văn phòng Chính phủ mới đây tiếp tục truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Công thương chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo Thường trực Chính phủ việc xây dựng nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Đây là cơ chế được nhiều đơn vị sản xuất điện, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn mong đợi nhiều nhất. Dự thảo nghị định được trình lần đầu tiên từ năm ngoái, đến nay sau nhiều lần trình lại, vẫn chưa được chốt.
Cũng mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) thông tin, ngày càng có nhiều tập đoàn toàn cầu trực tiếp mua năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất điện độc lập tại VN. Sách trắng 2024 của EuroCham trước đó cũng nêu quan điểm: "VN cần phải thiết lập các quy định để có thể cấp điện từ các dự án điện mặt trời trực tiếp đến người dùng cuối (thay vì thông qua Tập đoàn điện lực VN (EVN) và lưới điện), với việc bao tiêu trực tiếp dưới hình thức DPPA. Trong đó, lợi ích và khả năng cung cấp năng lượng sạch có thể được thảo luận và thực hiện giữa nhà phát triển và người tiêu thụ điện dựa trên các yêu cầu kỹ thuật và pháp lý cần thiết".
Khảo sát của Bộ Công thương và kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại VN cho thấy, nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Nike, Adidas, Heineken… đều có nhu cầu và ủng hộ VN sớm có cơ chế DPPA. Theo thống kê, tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng của các doanh nghiệp này đều lớn hơn 1 triệu kWh/tháng và đều đấu nối ở cấp điện áp 22 kV trở lên. Khảo sát nhu cầu và mức độ quan tâm của các doanh nghiệp với cơ chế DPPA, trong số 106 dự án năng lượng tái tạo có công suất từ 30 MW trở lên, có 24 dự án muốn tham gia (công suất 1.773 MW), 17 dự án cân nhắc về điều kiện tham gia (công suất 2.836 MW) và 26 dự án không có nhu cầu tham gia.
Với bên mua (những khách hàng sử dụng điện phục vụ sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên), 20/41 đơn vị mong muốn tham gia mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất với tổng nhu cầu là 996 MW. Theo Bộ Công thương, nhiều nhà đầu tư, tổ chức và khách hàng sử dụng điện bày tỏ quan tâm và mong muốn sớm ban hành cơ chế DPPA.
Không chỉ với dự án điện lớn có nhu cầu mua bán trực tiếp, ngay dự án điện mặt trời áp mái nhỏ, lắp đặt với mục đích tự sản tự tiêu - mô hình khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện 8 - đến nay vẫn ách tắc. Một chủ doanh nghiệp sản xuất cao su tại một tỉnh miền Trung cho hay, nhà máy có nhu cầu lắp điện mặt trời để tự sử dụng. Năm 2023, sau khi có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu, công ty đã đầu tư 2 tỉ đồng, lắp điện mặt trời với công suất 150 kW. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa đấu nối với lưới điện để đưa vào sử dụng được.
"Chúng tôi lắp để phục vụ sản xuất tại nhà xưởng, không bán cho ngành điện, có lắp thiết bị chống phát ngược (zero export) không kinh doanh. Tuy nhiên, điện lực địa phương cho biết hiện hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp để tự sử dụng có lắp thiết bị chống phát ngược (zero export) không kinh doanh chưa có hướng dẫn trình tự thủ tục, nên doanh nghiệp chưa thể phát để sử dụng được. Quả thật quá rắc rối và lãng phí vô cùng cho doanh nghiệp", vị này bức xúc.
Sự lãng phí vô cùng lớn
GSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, nhận xét rằng vấn đề này không mới, cả bên sử dụng điện, bên bán điện đều có nhu cầu, lẽ ra phải có cơ chế ngay để tìm tiếng nói chung về giá cả thế nào; từ đó để từng bước xây dựng thị trường điện cạnh tranh vốn đã được triển khai bị chậm trễ. Ông bày tỏ: "Trong thực tế, quản lý ngành điện ngày càng được đặt ra tính cẩn trọng quá mức, cẩn trọng làm chậm loạt dự án, chậm chính sách, mất cơ hội thu hút vốn đầu tư nguồn điện, đường truyền, lãng phí và như mọi khi, đẩy nguy cơ mất an toàn năng lượng ngày càng cao".
GS Long nói thẳng, ai cũng hiểu chúng ta mong muốn hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp ở mức tốt nhất có thể. Tuy nhiên, cần giảm bớt các thủ tục, điều kiện không cần thiết, trong bối cảnh cấp thiết phải bảo đảm đủ điện như hiện nay. Các chủ đầu tư dự án điện tái tạo có thể trao đổi trực tiếp với khách hàng sử dụng điện, thuận mua vừa bán. Nếu lưới điện chưa có, có thể thuê EVN phát, bán cho khách hàng.
Chính sách về điện hiện tại mọi người đang chờ nhau, níu nhau cùng đi chậm lại. Doanh nghiệp sản xuất điện muốn bán, phải chờ cơ chế; doanh nghiệp muốn mua điện, cũng chờ cơ chế; EVN muốn mua điện từ các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp, cũng đang chờ cơ chế để chốt giá. Cả bên bán và bên mua đều chờ cơ chế. Trong khi đó, Chính phủ hối thúc Bộ Công thương hoàn thành, Bộ trình dự thảo lên lại bị trả về năm lần bảy lượt để bổ sung cho phù hợp…
GSKH Trần Đình Long bày tỏ lo lắng: Giá cả phải có cơ chế tính từ trước, tùy khoảng cách, công suất… nay mới tính toán thì biết bao giờ có? "Theo tôi, Cục Điều tiết điện lực phải can thiệp và đẩy mạnh nhanh nhất có thể để Chính phủ ban hành cơ chế DPPA sớm. Song song đó, các cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đã nêu trong Quy hoạch điện 8 gần 1 năm qua, cũng cần chốt sớm. Rồi khung giá trần cho dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã có hơn 1 năm qua, đến nay vẫn chưa có dự án nào kết thúc đàm phán hợp đồng mua bán điện do thiếu hướng dẫn chính thức về tính toán tổng mức đầu tư và giá điện… Cơ quan quản lý còn "nợ" người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng điện quá nhiều hướng dẫn, cơ chế, chính sách… Cần phải gấp rút hoàn tất, may ra hạn chế nguy cơ thiếu điện", GS Long nói.
TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN) cũng bức xúc: Việc lãng phí nguồn tài nguyên năng lượng điện tại VN đang là điều đáng phê phán. Nguyên do là thiếu một chính sách nhất quán, không dám "cởi trói". Một quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào lại phải lo lắng thiếu điện quanh năm là rất vô lý. Vấn đề chúng ta nói không mới, việc xây dựng một cơ chế chính sách mà không theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế đất nước chứng tỏ năng lực của chúng ta có vấn đề. Giải pháp duy nhất là phải "xé rào" cho toàn dân làm điện, cho mua bán điện trực tiếp nhằm huy động mọi nguồn lực.
Muốn giảm yếu tố độc quyền phân phối của ngành điện, cần đẩy mạnh cơ chế mua bán điện trực tiếp, bán cho hàng xóm… Tại sao phải chấp nhận độc quyền, rồi bao cấp, bao tiêu, để rồi than lỗ, than khổ, than thiếu điện như vậy? Nếu không có chiến lược đột phá về điện, không thực hiện cởi trói cho người dân làm điện sạch thì sẽ tiếp tục thiếu điện nghiêm trọng trong nhiều năm nữa.
TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN)
Bình luận (0)