Miền Bắc thiếu gần 5.000 MW điện
Ngày 14.5, tại cuộc họp về kế hoạch cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng 2023 với Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản VN (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước..., Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán, đẩy nhanh tiến độ đàm phán để huy động nguồn năng lượng tái tạo đối với doanh nghiệp đã đủ điều kiện; đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết… PVN và TKV phối hợp với EVN và các đơn vị có liên quan để cung cấp khí, than cho nhà máy điện theo đúng kế hoạch cung cấp điện. Đặc biệt, tăng cường khai thác, nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng thiếu khí, than cho sản xuất điện. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng cao điểm theo Công điện 397 ngày 13.5 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước...
Trước đó, báo cáo về tình hình vận hành hệ thống điện từ đầu năm đến nay, đại diện EVN cho biết, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 - 7) sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống. Công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 - 4.900 MW. Tại buổi họp, đại diện PVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đều cam kết tạo điều kiện tối đa để cung ứng than, khí cho sản xuất điện, đảm bảo cung ứng đủ điện cho cả nước. Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh việc phải đảm bảo không để xảy ra thiếu điện; nếu có, xem xét xử lý cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm.
Trong khi Bộ tỏ ra quyết liệt với việc đàm phán thì ông N.V.D, đại diện một dự án điện gió tại phía nam, tỏ ra chán nản khi mọi đề xuất chưa được giải quyết khiến dự án tiếp tục phủ bụi, gió và hư hỏng theo thời gian. Ông D. nói, khung giá mới theo Quyết định 21 của Bộ Công thương đưa ra không rõ đã dựa trên những thông số nào, nhưng rõ ràng là không phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, loại bỏ đi 10% chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư ở thiết kế kỹ thuật ban đầu.
Bên cạnh đó, các chi phí duy tu, bảo dưỡng khi dự án bị buộc phải chờ đợi, "treo" gần 1,5 năm với các dự án điện gió, "treo" hơn 2 năm với dự án điện mặt trời. "Công ty Mua bán điện đưa ra một số điều kiện được cho là theo quy định, nhưng gây bất lợi lớn cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, khung giá mua điện đã thấp quá rồi, nay xin bán tạm thời bằng 50% mức giá trần của khung giá quy định tại Quyết định 21 của Bộ Tài chính nhưng không cho hồi tố. Giá mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh là 1.750 đồng/kWh, giá tạm tính 50%, với điện gió chỉ 800 đồng/kWh, điện mặt trời hơn 500 đồng/kWh. Như vậy, gỡ khó nhưng buộc chúng tôi bán thấp dưới giá vốn mãi nếu không đàm phán được, hoặc việc đàm phán kéo dài? Đã gọi là tạm thời, tại sao không cho hồi tố?", ông D. bức xúc.
Đáng chú ý, chỉ đạo của Bộ Công thương đề cập đến việc khẩn trương đàm phán giá điện chuyển tiếp đối với các dự án đã hội đủ điều kiện. Cập nhật từ EVN, đến nay có 31 hồ sơ đã nộp lên Công ty Mua bán điện, trong đó có khoảng 10 dự án đề nghị được huy động giá tạm thời bằng 50% giá khung. Hiện các chủ đầu tư này vẫn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ giấy tờ pháp lý để tiến hành đàm phán ngay.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc thương thảo hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp bị chững lại, nói đúng hơn là bế tắc, khi đa số hồ sơ gửi để đàm phán đều phải bổ sung nhiều văn bản pháp lý theo quy định. Nhiều dự án đang gặp vướng từ các thủ tục, thiếu hồ sơ, quy định pháp luật về đầu tư… Thậm chí, các dự án đã nộp hồ sơ, muốn bán điện với giá bằng 50% giá khung cũng chưa thể thực hiện được do thiếu hướng dẫn của Bộ Công thương và một số yêu cầu được hồi tố sau đàm phán thành công…
Tăng tốc huy động tạm thời và cho hồi tố ?
Trong thực tế, cho dù Bộ Công thương đã có hướng dẫn các nguyên tắc đàm phán giá điện, nhưng đó chỉ là quy định khung. Trong khi chiếu theo luật Điện lực, giá phát điện với hợp đồng mua bán điện có thời hạn rõ ràng. Thông tư 01 của Bộ cũng bỏ hết các quy định về mua hết sản lượng điện và chỉ tính theo giá thực tế nên không thuyết phục được nhà đầu tư, bởi mỗi dự án có đặc thù khác nhau, nguyên tắc chung cũng cần dựa trên hướng dẫn cụ thể của Bộ. Bên cạnh đó, trách nhiệm đáp ứng đủ các điều kiện để đàm phán theo quy định pháp luật là thuộc nhà đầu tư, EVN cho biết là "doanh nghiệp không thể kiểm tra xác nhận, không có thẩm quyền để làm việc này nên 2 bên đều gặp khó để thực hiện đàm phán".
Báo Thanh Niên tổ chức "Tọa đàm trực tuyến về giá điện"
Giá điện tăng ngay trong mùa nắng nóng kỷ lục, nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến nguy cơ hóa đơn tiền điện của nhiều hộ tăng đột biến. Đặc biệt, nguy cơ thiếu điện, cắt điện luân phiên đang khiến nhiều người lo ngại trong bối cảnh thời tiết biến đổi cực đoan.
Làm thế nào để giảm sốc khi nhận hóa đơn tiền điện tại kỳ tới? Làm thế nào để tiết kiệm tối đa tiêu thụ điện khi các thiết bị làm mát đang "phát hết công suất" trong những ngày nắng nóng? Liệu có phải cắt điện luân phiên hay không...? Tất cả các câu hỏi của bạn đọc sẽ được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Trung tâm điều tiết điện quốc gia… giải đáp tại "Tọa đàm trực tuyến về giá điện" do Báo Thanh Niên tổ chức vào 8 giờ 30 ngày 16.5 tại trụ sở Báo Thanh Niên.
Thanh Niên
Chuyên gia năng lượng, TS Trần Văn Bình cho rằng, việc chậm đàm phán giá điện tái tạo chuyển tiếp khiến áp lực thiếu điện càng tăng. Nếu đúng như phản ánh của doanh nghiệp lẫn EVN là thiếu hướng dẫn cụ thể, rõ ràng Bộ Công thương thiếu quyết liệt trong vấn đề này hoặc ngại trách nhiệm do các chính sách, quy định chồng chéo. Bên cạnh đó, cụm từ đáp ứng "các quy định pháp luật liên quan" rất mơ hồ, rất khó để quyết ngay việc huy động tạm thời. Đã tạm thời nhưng vẫn sợ vượt thẩm quyền thì biết bao giờ chúng ta mới đàm phán xong?
"Theo tôi, Bộ Công thương đã có chỉ đạo rồi, phải có hướng dẫn cho các hợp đồng có thời hạn thế nào, bởi tạm thời sao áp theo nguyên tắc chung được? Ngoài ra, Chính phủ cần cho phép các dự án phát điện tạm thời này có thể được hồi tố, được bán đúng giá điện họ đàm phán thành công sau này, chứ không thể "mua đứt bán đoạn" và có vẻ ép nhà đầu tư khi đang khó khăn, chưa hoàn tất thủ tục đàm phán như mong đợi. Mọi giải pháp lúc này là tháo gỡ được các vướng mắc, ai sai thì xử, còn lại phải tiếp tục kẻo lãng phí quá lớn nguồn năng lượng tái tạo quý giá", TS Bình chia sẻ.
GS-TSKH Trần Đình Long cho rằng, nguy cơ thiếu điện hôm nay cũng phần nào nhìn nhận vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo được đầu tư mạnh mẽ thời gian qua. Mấy năm trước không có những dự án điện mặt trời, điện gió lớn đầu tư vào VN, khó có thể có nguồn điện tái tạo phong phú như hiện nay. Tuy vậy, khi việc phát triển nóng, phá vỡ mọi quy hoạch thì truy trách nhiệm của cơ quan quản lý, tư vấn chuyên môn. Còn lại, việc đàm phán thương thảo giá điện chuyển tiếp lúc này là cần thiết và phải được tiến hành nhanh hơn. Cần đảm bảo lợi ích các bên. Nhà đầu tư cũng đổ lượng lớn tiền ra để làm, nếu không rõ ràng, minh bạch lúc này, rất khó để thu hút đầu tư sau này. Đặc biệt, sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, đầu tư về truyền tải điện, năng lượng tái tạo… sẽ nhiều hơn.
Bình luận (0)