Thiếu điện và sự lãng phí

19/07/2022 04:19 GMT+7

Trước nguy cơ thiếu điện, ngành điện kêu gọi khuyến khích người dân tiết kiệm điện.... Thế nhưng trên thực tế, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời dù đã hoàn thành lại không thể đấu nối để vận hành thương mại.

Nghịch lý này không phải bây giờ mới xảy ra. Vài năm trở lại đây thỉnh thoảng lại có dự án điện mặt trời này, dự án điện gió kia kêu cứu. Mới nhất, Sở Công thương Gia Lai có công văn kiến nghị gửi Bộ Công thương tháo gỡ nút thắt giá cho 629 MW điện gió chưa được đấu nối để vận hành thương mại, dù dự án đã hoàn thành công tác thi công từ nhiều tháng. Nguyên nhân là vì hiện vẫn chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió đã hoàn thành sau ngày 31.10.2021.

Cũng chuyện giá, năm 2019 điện mặt trời từng khốn khổ khi mức giá ưu đãi hết hạn vào cuối tháng 6 nhưng giá mới lại không được ban hành. Suốt nhiều tháng trời sau đó, người dân và doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan, không biết nên đầu tư hay dừng lại.

Mấy tháng trước, hàng loạt nhà đầu tư điện mặt trời cũng đồng loạt kêu cứu vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đột ngột ngưng thanh toán, dọa cắt hợp đồng, dừng mua điện với lý do yêu cầu nhà đầu tư cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy dù dự án đã vận hành bán điện nhiều năm trời. Thậm chí, ngay cả các đơn vị muốn lắp điện mặt trời mái nhà để tự dùng, không phát lên lưới điện quốc gia cũng không được do chưa có cơ chế.

Chờ giá, chờ cơ chế, cắt giảm công suất phát điện vì nguồn cung dư thừa... là những câu chuyện mà chúng ta chứng kiến liên quan đến năng lượng tái tạo trong suốt mấy năm qua. Đáng nói là những câu chuyện này diễn ra ngay trong bối cảnh VN luôn đứng trước nguy cơ thiếu điện, xảy ra ngay tại thời điểm Quốc hội đặt lại vấn đề có nên phát triển điện hạt nhân hay không và VN khuyến khích năng lượng tái tạo với mục tiêu đạt mức phát thải ròng 0% vào năm 2050.

Không chỉ vậy, ngành điện cũng đang đẩy nhiều nhà đầu tư rơi vào cảm giác thất vọng, mất niềm tin. Chúng ta đều biết, nhiều lĩnh vực rất khó huy động vốn tư nhân cho phát triển nhưng năng lượng tái tạo có thể nói là khá thành công trong việc này. Những dự án điện gió, điện mặt trời lớn nhất trên thị trường hiện nay đều từ nguồn vốn tư nhân. Thiếu đường dây truyền tải, nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng đầu tư. Thế nhưng, khi đã thu hút được hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng đầu tư dự án, đưa hàng ngàn MW điện gió, điện mặt trời vào sử dụng thì cơ chế, chính sách, việc quản lý điều hành lại đẩy họ vào tình thế khốn khó. Việc này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng và môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.

Thế nên, việc cấp thiết hiện nay là phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc về giá, về cơ chế, thủ tục cho nhà đầu tư, những người đã tin tưởng, hưởng ứng kêu gọi, khuyến khích của Nhà nước bỏ tiền vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Còn đơn vị nào làm sai quy hoạch, người nào phê duyệt thừa công suất... thì phải truy trách nhiệm và có chế tài cụ thể với cá nhân, đơn vị hay địa phương đó. Đặc biệt, chính sách, cơ chế luôn phải đi trước một bước chứ không để thị trường phải chờ đợi, để nhà đầu tư phải bỏ hàng ngàn tỉ rồi dò từng bước, phải cầu cứu, kiến nghị khắp nơi, đi không được - ở không xong như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.