Thiếu duy tu bảo vệ, phao cảnh báo sóng thần ở Indonesia ngưng hoạt động từ năm 2012

24/12/2018 15:04 GMT+7

Hệ thống phao cảnh báo sóng thần của Indonesia không hoạt động từ năm 2012 và đó bị cho là nguyên nhân khiến nhiều người bị bất ngờ khi trận sóng thần ập vào đất liền tối 22.12.

Người phát ngôn Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB) Sutopo Purwo Nugroho ngày 24.12 cho biết hệ thống cảnh báo sớm của nước này không hoạt động nên đã không thể cung cấp thông tin cho người dân về trận sóng thần tối 22.12.
“Những kẻ phá hoại, việc thiếu kinh phí, lỗi kỹ thuật... là nguyên nhân khiến đất nước thiếu hệ thống phao cảnh báo sóng thần như hiện nay”, đài Channel News Asia dẫn lời ông Nugroho viết trên Twitter, đồng thời nói rằng đây chính là lý do khiến người dân không có thời gian để sơ tán.
Người phát ngôn BNPB cho biết Indonesia không có hệ thống cảnh báo sóng thần gây ra do núi lửa phun trào hay chuồi đất dưới lòng biển. Thay vào đó, nước này chỉ có một hệ thống cảnh báo sớm các trận sóng thần do động đất gây ra.

 
Núi lửa Anak Krakatau phun trào Reuters
Vị quan chức cho hay hệ thống này được xây dựng vào năm 2008 sau trận động đất sóng thần kinh hoàng hồi năm 2004 khiến 168.000 người Indonesia thiệt mạng. Nhiều nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương cũng chịu thiệt hại từ trận sóng thần này.
Theo ông Nugroho, Indonesia có 127 núi lửa, chiếm 13% số núi lửa trên toàn thế giới và nhiều ngọn núi trong số đó nằm dưới biển hoặc trên các đảo nhỏ nên dễ gây sóng thần nếu phun trào.
[VIDEO] Thảm họa sóng thần Indonesia: Hơn 280 người thiệt mạng
Việc này bị coi là thách thức cho các cơ quan chính phủ cũng như những trung tâm nghiên cứu trong việc phát triển hệ thống cảnh báo sớm. Tuy nhiên, người phát ngôn BNPB khẳng định Indonesia cần phải thiết lập hệ thống này, cũng như hệ thống cảnh báo các thảm họa tự nhiên khac như lở đất, núi lửa phun trào, cháy rừng...
Ông Nugroho cho biết tính đến sáng 24.12, số người chết trong trận sóng thần tối 22.12 là 281 người trong khi 1.016 người bị thương và 57 người mất tích. Hơn 600 ngôi nhà và hàng chục khách sạn bị tàn phá trong khi giới chuyên gia cảnh báo nột trận sóng thần nữa có thể xảy ra do hoạt động của núi lửa Anak Krakatau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.