Chỉ “ghi nhận” sản lượng điện mặt trời dư
Tính đến hết ngày 12.10, các đơn vị thuộc EVNSPC đã phát triển được 7.602 khách hàng điện mặt trời áp mái, lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện với sản lượng phát lên lưới gần 25 kWh. Tổng công suất tấm pin lắp đặt đạt 149% so với kế hoạch EVN giao, thanh toán tiền mua điện dư từ hệ thống là hơn 43 tỉ đồng. Số tiền này được trả cho các hợp đồng bán điện trước ngày 1.7.
|
Tại Tây Ninh, bà Nguyễn Thúy Nga - chủ trại trồng dứa cũng cho hay, cơ sở muốn đầu tư gần 2 tỉ đồng làm điện mặt trời áp mái để lấy điện sản xuất và bán cho công ty điện lực. Nhưng giá cả thu mua của ngành điện vẫn chưa rõ ràng khiến bà “chùn tay”, không dám đầu tư nữa. Trước đó, thông tin Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cũng có ý định làm điện mặt trời và nếu thành công sẽ nhân rộng cho hệ thống các trường học trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, mức giá mới không có khiến đơn vị này đắn đo do không thể lên phương án tài chính để báo cáo, trình phê duyệt.
Tính đến ngày 12.10, theo Tổng công ty điện lực Miền Nam (EVNSPC), với các nhà đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái từ sau ngày 1.7, các công ty điện lực vẫn thực hiện việc đấu nối lưới điện nhưng hằng tháng chỉ thực hiện ghi chỉ số điện dư phát lên lưới. Tuy nhiên, lượng khách hàng đầu tư điện mặt trời đã có dấu hiệu giảm đáng kể trong vài tháng trở lại đây. So với tháng 6 (thời điểm còn áp giá điện mặt trời cũ là 0,95 cent/kWh - PV) thì 2 tháng 7 - 8, số lượng công trình điện mặt trời tại TP.HCM giảm đến 35%, công suất giảm hơn 50%.
Người dân mất cơ hội
Tổng công ty điện lực VN (EVN) cho biết, tính đến hết tháng 8 năm nay, tổng công suất các công trình điện mặt trời trên mái nhà của khách hàng là 216 MWp và dự kiến đến hết năm nay sẽ có thêm 300 MW công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt nữa. Thế nhưng, Quyết định 11 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời cũng đã hết hiệu lực từ ngày 30.6 vừa qua và đến nay chưa có quyết định nào khác để thay thế. “EVN chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn cho khách hàng cũng như chưa thực hiện được các thủ tục mua bán điện từ dự án điện mặt trời khác. EVN đang chờ hướng dẫn của Bộ Công thương để thực hiện việc ký mua điện mới với các chủ đầu tư điện mặt trời”, đại điện EVN thông tin. Trong khi đó, trong tháng 7, Bộ Công thương lại có quyết định phê duyệt chương trình phát triển điện mặt trời áp mái tại VN giai đoạn 2019 - 2025 với tham vọng đặt ra là đến năm 2025, cả nước có 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tương đương 1.000 MWp.
Chuyên gia năng lượng tái tạo, TS Trần Văn Bình, thành viên Ban Chấp hành Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới, nhận định việc chậm trễ ban hành quyết định cho khung giá điện mặt trời mới chứng tỏ sự lúng túng của cơ quan quản lý. Chính sách phát triển năng lượng sạch đã có, chỉ số phải đạt cũng do Bộ Công thương ban hành, sau chủ trương của Chính phủ. Thế nên sự chậm trễ này có thể do việc phân vân cho một mức giá hay phân ra 4 mức giá theo đề xuất ban đầu. “Ngay việc đề xuất phân chia mức giá điện mặt trời theo vùng đã chứng tỏ sự thiếu công bằng cho nhà đầu tư, nay lại chậm trễ việc ban hành khung giá mới, cũng làm khó cho nhà đầu tư, đặc biệt với các hộ gia đình” - ông Bình nói.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM), cho rằng việc chậm ban hành khung giá điện mặt trời áp mái đã làm mất cơ hội tham gia của người dân về một chính sách lớn của Chính phủ liên quan năng lượng. “Giá ưu đãi dành cho điện mặt trời áp mái nên có quyết định càng sớm càng tốt. Mức giá cũ có thể áp dụng đến hết năm 2021, để người dân yên tâm đầu tư. Để chậm trễ ngày nào, dân thiệt mà nhà nước cũng thiệt” - PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nói.
Bình luận (0)