Thiếu giáo viên: Bổ sung biên chế nhưng vẫn cần thay đổi cơ chế

12/08/2022 06:03 GMT+7

Việc giao biên chế không theo năm học, ngành GD-ĐT chịu trách nhiệm nhưng lại không có quyền tuyển dụng, cũng không đào tạo theo nhu cầu giáo viên dạy học chương trình mới, là những lý do khiến câu chuyện thiếu giáo viên khó có hồi kết.

Thiếu hụt nguồn tuyển

Năm học 2022 - 2023, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện với lớp 3, 7 và 10. Ở lớp 3, lần đầu tiên môn tiếng Anh và tin học trở thành môn học bắt buộc; ở lớp 10, lần đầu tiên có môn nghệ thuật (gồm 2 phân môn âm nhạc, mỹ thuật) được đưa vào nhóm môn học tự chọn. Dù chương trình ban hành năm 2018, các địa phương đã có ít nhất 3 - 4 năm chuẩn bị, nhưng chia sẻ của các địa phương cho thấy hầu hết các tỉnh, thành đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên (GV) tin học, tiếng Anh ở cấp tiểu học; môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) ở cấp THPT.

Nhiều tỉnh, thành cho biết dù có biên chế nhưng những môn học mới không có nguồn tuyển do các trường sư phạm chưa đào tạo kịp. Một số môn như tiếng Anh, tin học khi giảng dạy bắt buộc từ lớp 3 rất khó tuyển GV do những cử nhân được đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ, tin học có nhiều cơ hội việc làm thu nhập tốt hơn nhiều và ít áp lực hơn so với nghề GV nên họ không lựa chọn dự tuyển vào biên chế ngành giáo dục.

Mặc dù được bổ sung biên chế nhưng nhiều tỉnh, thành vẫn thiếu nguồn tuyển giáo viên, đặc biệt các môn học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tại hội nghị tuyển sinh năm 2022, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), khẳng định trong mùa tuyển sinh năm nay, với những ngành thiếu GV, Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh tối đa cho các trường sư phạm. Tuy nhiên, trong một vài năm tới, tình trạng “trắng” GV ở một số môn học mới, đặc biệt là mỹ thuật và âm nhạc cấp THPT, chắc chắn chưa thể khắc phục.

Nhiều kiến nghị “cởi trói” để tuyển GV

Trong các kiến nghị, thắc mắc của cử tri gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại các kỳ họp Quốc hội gần đây thì nội dung về tuyển dụng và chính sách đãi ngộ với GV được nhắc nhiều nhất. Trong kỳ họp tháng 5.2022, cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị về việc giao biên chế trong ngành GD-ĐT theo năm học, không giao biên chế theo năm tài chính như hiện nay vì dẫn tới nhiều khó khăn về GV.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ sớm ban hành văn bản thay thế về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo dục phổ thông công lập…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng theo Nghị định 106/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thì địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của năm tiếp theo và gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 1.5 để thẩm định trước ngày 1.7 hằng năm làm cơ sở cho các địa phương chủ động giao số lượng người làm việc đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm việc giao biên chế trong ngành GD-ĐT theo năm học như kiến nghị của cử tri.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; xây dựng nhà công vụ GV để tạo điều kiện cho GV dạy liên trường, giúp GV yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa - thiếu GV cục bộ; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Hầu hết các tỉnh, thành đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh ở cấp tiểu học

đào ngọc thạch

Chịu trách nhiệm nhưng không được giao quyền tuyển dụng

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trong báo cáo Phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 mới công bố ngày 8.8, cũng chỉ ra rằng quy trình quản lý nhân lực phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý trong ngành giáo dục. Các quyết định quản lý hành chính liên quan đến việc tuyển dụng và phân bổ GV có sự tham gia của ngành GD-ĐT, nội vụ, UBND các cấp và nhà trường. Sự phức tạp này có xu hướng làm hạn chế hiệu quả và hiệu lực quản lý.

Cùng với đó, vai trò của ngành giáo dục trong việc tuyển dụng đội ngũ cũng bị hạn chế. Cụ thể, cán bộ quản lý giáo dục địa phương là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, phó trưởng phòng chuyên môn và chuyên viên của sở GD-ĐT, của phòng GD-ĐT, song thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng và quản lý đội ngũ này lại thuộc UBND tỉnh và ngành nội vụ. Ngành GD không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu về công tác tuyển dụng dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ quản lý cấp phòng, sở; đồng thời thừa - thiếu GV và mất cân đối cơ cấu GV ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.