Thiếu giáo viên các môn mới: Bồi dưỡng nguồn lực hiện tại hay chờ giáo sinh?

03/03/2023 19:59 GMT+7

Trường ĐH đào tạo giáo viên và địa phương sử dụng giáo viên đã đưa ra những yêu cầu trong việc bồi dưỡng người dạy đáp ứng yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thiếu giáo viên, trông chờ vào đâu? - Ảnh 1.

Hội nghị bàn về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

BÍCH THANH

Không tuyển đủ chỉ tiêu

Ngày 3.3, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn tổ chức hội nghị về công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và kế hoạch chuyển đổi số giáo dục năm 2023.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai chương trình GDPT 2018 thì ngay từ năm 2019, khi Bộ GD-ĐT chưa ban hành khung bồi dưỡng chương trình cho giáo viên, Sở đã có bước chuẩn bị cùng ĐH Sài Gòn về kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới.

Ông Hiếu cho hay TP.HCM xác định chương trình có hay đến mấy mà giáo viên không đổi mới thì khó có thể thành công, tạo hiệu quả với học sinh. Chính vì vậy, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên luôn được Sở GD-ĐT đặc biệt quan tâm sao cho vừa tuyển dụng được giáo viên vừa bồi dưỡng được đội ngũ đang giảng dạy đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng.

Nói về thực tế lực lượng giáo viên triển khai chương trình GDPT 2018 tại địa phương, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trường phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, chỉ ra rằng, với 2 môn tích hợp mới ở bậc THCS, nhất là với môn khoa học tự nhiên (KHTN), kiến thức lớp 6, lớp 7 còn khá cơ bản nhưng đến lớp 8 bắt đầu có sự phức tạp. Do vậy, ông Nguyên đề xuất nên có thêm khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên môn tích hợp.

Cũng theo ông Nguyên, năm học 2022-2023, TP.Thủ Đức cần tuyển 1.400 giáo viên từ bậc mầm non cho đến THCS. Tuy nhiên, sau 2 đợt thì mới tuyển được 50% nhu cầu này. Những môn học còn cần tuyển giáo viên là lịch sử-địa lý, tự nhiên xã hội, tiếng Anh bậc tiểu học. Chính vì vậy, ông Vĩnh Nguyên đề xuất thành phố mở lớp bồi dưỡng cho những giáo viên đơn môn sau thời gian nghỉ muốn quay trở lại với ngành giáo dục để tăng nguồn tuyển giáo viên dạy môn tích hợp…

Thiếu giáo viên, trông chờ vào đâu? - Ảnh 2.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn thông tin về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

BÍCH THANH

Về phía trường đào tạo giáo viên, ông Võ Văn Thật, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho biết, vào năm 2019, Bộ GD-ĐT cho phép nhà trường tuyển sinh mã ngành đào tạo giáo viên theo chương trình mới. Đến tháng 6 tới đây, trường sẽ có 9 giáo sinh môn lịch sử-địa lý và 24 giáo sinh môn KHTN đầu tiên tốt nghiệp; năm 2024 sẽ có 31 giáo sinh môn KHTN, 28 giáo sinh môn lịch sử-địa lý. Năm tiếp theo sau đó thì có 75 giáo viên tốt nghiệp 2 môn này… Việc Trường ĐH Sài Gòn đào tạo những mã ngành này là phục vụ cho cả nước chứ không chỉ dành riêng cho TP.HCM.

Từ số liệu đưa ra trong hội nghị, ông Võ Văn Thật nói: "Rõ ràng phải dựa vào việc bồi dưỡng giáo viên hiện hữu chứ không thể trông chờ vào lực lượng giáo sinh chuyên môn ra trường trong bối cảnh thiếu giáo viên phổ thông như hiện nay. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng chương trình GDPT 2018 cho lực lượng giáo viên trên địa bàn".

Yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, đề xuất chương trình đào tạo giáo viên ở trường ĐH cần tiệm cận với chuyển đổi mới số trong ngành giáo dục của TP.HCM. Chẳng hạn, chương trình đào tạo nên có những nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu, hệ thống dạy học trực tuyến mà thành phố trang triển khai để khi giáo sinh ra trường, nhận nhiệm sở không mất thời gian phải làm quen…

Bên cạnh đó, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cho rằng lớp bồi dưỡng giáo viên hiện nay còn tập trung vào kiến thức. Trong khi đó, với chương trình mới, với cách tiếp cận mới thì kỹ năng, phương pháp giảng dạy là yếu tố quan trọng không kém để giúp học sinh phát huy được năng lực, phẩm chất.

Vì thế, ông Thanh đề xuất tổ chức các tiết thao giảng trực tuyến để giáo viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Bởi lẽ nếu thực hiện theo hình thức trực tiếp như hiện nay, chỉ có một đoàn đi đến các trường với một số người tham dự nên việc hướng dẫn, triển khai, học hỏi qua lại cũng hạn chế.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, chỉ ra rằng, một cấu trúc bài học của chương trình GDPT 2018 sẽ lần lượt theo các bước khởi động, khám phá, vận dụng. Khối lượng kiến thức trong bài học không nhiều như trước đây nhưng lại đòi hỏi kỹ năng và phương pháp hoàn toàn mới nên đòi hỏi người dạy phải thay đổi để theo kịp chương trình chứ nếu không thì cứ mãi là "thầy giáo già sẽ thua".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.