Thiếu giáo viên dạy môn nghệ thuật, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có yêu cầu gì?

26/04/2022 15:48 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng việc đổi mới cơ cấu ngành nghề, chương trình đào tạo giáo viên của trường sư phạm cần phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông.

Cần tăng cường đào tạo giáo viên nghệ thuật

Đó là một trong các nội dung trao đổi của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong buổi làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng nay (26.4).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong buổi làm việc sáng nay

HÀ ÁNH

Phát biểu trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho rằng trường sư phạm có vai trò quan trọng, nhân tố động lực cho các khâu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Trong đó, vai trò trực tiếp nhất của trường sư phạm là đổi mới khối giáo dục phổ thông.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới cơ cấu ngành nghề, chương trình đào tạo của trường sư phạm để phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông. Trong đó, trường cần điều chỉnh để tăng cường đào tạo giáo viên khối nghệ thuật phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Dù nhu cầu giáo viên bậc phổ thông các môn nghệ thuật đang rất lớn nhưng trường cần tính toán đào tạo bám sát nhu cầu, tránh dẫn đến tình trạng từ thái cực này sang thái cực khác”, ông Sơn lưu ý.

Riêng với khó khăn của các trường đào tạo giáo viên với các ngành nghệ thuật do thiếu đội ngũ có trình độ tiến sĩ, Bộ trưởng cho rằng cần có giải pháp vĩ mô về chính sách để tháo gỡ chung cho các trường trong đào tạo khối ngành này.

Bộ trưởng cho biết, vài tuần nữa Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chiến lược đào tạo giai đoạn tới, trên cơ sở đó Bộ sẽ làm quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và hệ thống giáo dục cả nước. Dịp này, theo Bộ trưởng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cần rà soát lại định hướng phát triển của trường vì khối sư phạm liên quan trực tiếp và quan trọng đến các định hướng lớn của ngành.

Nhắc nhở chung với Nhà xuất bản Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: “Trường có nhà xuất bản, một trong các cơ sở đang tham gia tổ chức xuất bản sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông. Bên cạnh các nhóm tác giả tổ chức biên soạn, cần tăng cường công tác trách nhiệm biên tập, kiểm soát của nhà xuất bản để đóng góp nâng cao chất lượng sách giáo khoa”.

GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phát biểu trong buổi làm việc

HÀ ÁNH

Sẽ mở thêm nhiều ngành học mới

Phát biểu trong buổi làm việc, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm của trường trong giai đoạn tới. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện các dự án phát triển cơ sở của trường, phát triển 2-3 phân hiệu mới dựa trên thực trạng chung và chiến lược phát triển trường theo định hướng.

Cũng theo ông Sơn, với Trường Trung học thực hành, sẽ phát triển theo mô hình trường tiên tiến chất lượng cao và phát triển trường liên cấp ở các cơ sở của trường hoặc phân hiệu sau khi bộ phê duyệt đề án.

Về công tác đào tạo, tiến sĩ Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó hiệu trưởng nhà trường, cũng cho biết thêm, trong quá trình làm việc thực tế tại các Trường CĐ Sư phạm Long An và Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, trường đã có định hướng về ngành đào tạo thời gian tới tại đây sau khi các cơ sở này chính thức trở thành phân hiệu.

Theo đó, tiến sĩ Ngọc cho biết trường tuyển sinh theo nhu cầu và đặt hàng của địa phương các ngành ưu tiên như: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và một số ngành đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới như: sư phạm tin học, sư phạm lịch sử-địa lý, khoa học tự nhiên, sư phạm công nghệ, giáo dục công dân. Ngoài ra, trường sẽ mở thêm một số ngành mới để đáp ứng nhu cầu nhân sự trong bối cảnh mới như: sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc.

Ngoài ra, cũng theo tiến sĩ Quỳnh Ngọc, trường cũng có định hướng phát triển đào tạo lực lượng giáo viên cho các trường song ngữ. Cụ thể là các ngành sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm toán học... Trong đó, 50% chương trình dạy bằng tiếng Việt và còn lại bằng tiếng Anh.

Ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), cho biết bộ hoàn toàn ủng hộ thành lập phân hiệu trường ĐH trên cơ sở các trường CĐ sư phạm. Tuy nhiên, trường cần lưu ý khi thành lập cơ sở mới tránh bị phân tán nguồn lực. Thực tế đã từng có những phân hiệu được cấp phép nhưng quá 3 năm bị thu hồi quyết định do không đủ điều kiện hoạt động.

Chia sẻ tại buổi làm việc, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cũng đánh giá tốt về tỷ lệ cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của trường. Theo báo cáo, tỷ lệ này của trường hiện ở mức 38%. Tuy nhiên, theo bà Thủy, trường cần chú trọng phát triển đội ngũ để nâng cao tỷ lệ này thời gian tới. “Tỷ lệ này hiện đang cao hơn mức trung bình của TP.HCM, nhưng lại thấp so với nhiều trường sư phạm khác của cả nước”, Vụ trưởng nói.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cũng đánh giá cao việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phục vụ tuyển sinh năm nay. Bộ mong muốn trường sẽ sớm trở thành một trong các trung tâm khảo thí có thể đáp ứng yêu cầu giai đoạn đổi mới thi cử thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.