Làm việc cả ban đêm
Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đăk Hà (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum), cho biết, trong năm học 2022-2023, trường có 671 học sinh với 25 lớp. Tuy nhiên, để đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp thì trường còn thiếu 15 giáo viên. Số lượng giáo viên thiếu nhiều, học sinh lại tăng nên hiệu trưởng và hai hiệu phó phải đứng lớp liên tục.
Thầy Phạm Văn Hùng đứng lớp 32 tiết/tuần, tăng 28 tiết theo quy định |
Đức nHật |
Do đó, để đảm bảo tiến độ dạy học, mỗi tuần cô Vân đứng lớp 28 tiết, nghĩa là tăng 24 tiết so với quy định của Bộ GD-ĐT. Trong lúc trường đang thiếu giáo viên trầm trọng thì vào ngày khai giảng năm học mới, một giáo viên bị tai nạn giao thông. Hiện sức khỏe của giáo viên này rất yếu và đang phải điều trị tại bệnh viện.
Thầy Phạm Văn Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cũng phải đứng lớp 32 tiết/tuần, tăng 28 tiết so với quy định. Theo thầy Hùng, việc đứng lớp liên tục gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, kiểm tra và giám sát việc dạy-học của giáo viên trong trường. Vì vậy, những công việc liên quan đến hồ sơ và sổ sách, giáo án đều phải thực hiện vào buổi tối. Đôi khi công việc nhiều, thầy cô không có thời gian nghỉ ngơi nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
“Mong rằng các cấp chính quyền sớm tuyển dụng giáo viên mới để đảm bảo việc dạy học. Bên cạnh đó, điều động thầy cô ở trường đủ hoặc thừa đến những đơn vị còn thiếu nhiều giáo viên nhằm cân đối và đảm bảo chất lượng dạy học”, thầy Hùng nói.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, hiện toàn huyện thiếu khoảng 120 giáo viên, đặc biệt giáo viên tin học và tiếng Anh đang thiếu trầm trọng. Hiện tại đơn vị đang gấp rút tuyển dụng giáo viên để phân bổ về các trường nhằm đảm bảo chất lượng dạy học.
Giáo viên dạy liên trường
Tương tự, tại H.Kon Plông, nhiều trường học cũng trong tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học. Trường THCS Pờ Ê (xã Pờ Ê, H.Kon Plông) hiện chưa có giáo viên tiếng Anh, tin học. Để đảm bảo nhu cầu dạy học, nhà trường phải hợp đồng với một giáo viên tiếng Anh cấp THCS ở xã Hiếu (H.Kon Plông) để dạy liên trường. Còn với môn tin học, trường cũng đang liên hệ các trường lân cận để tìm giáo viên giảng dạy nhưng chưa tìm được. Thầy Nguyễn Thanh Trường, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay đơn vị đã báo cáo, đề xuất lên Phòng GD-ĐT huyện để tuyển dụng thêm 2 giáo viên tin học và tiếng Anh.
Trường THCS Pờ Ê chưa có giáo viên tin học |
ĐỨC NHẬT |
Việc giáo viên dạy liên trường ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và gây khó khăn trong công tác quản lý. Theo đó, việc bố trí thời gian biểu bất cập vì giáo viên chỉ sắp xếp được một vài buổi. Đồng thời, nhà trường gặp khó khăn khi giao thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vì biên chế thuộc trường khác. Do đó, đơn vị mong muốn sớm tuyển dụng và phân bổ giáo viên về các trường.
Ông Võ Xuân Tựu, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Kon Plông, cho biết, vào đầu năm học mới, toàn H.Kon Plông có 47 giáo viên chuyển công tác, hiện huyện cần tối thiểu 108 chỉ tiêu biên chế giáo viên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học 2022-2023. Trong đó, số lượng giáo viên tiếng Anh và tin học đang còn thiếu nhiều nên trước mắt, các cơ sở giáo dục phải hợp đồng liên trường để đảm bảo nhu cầu dạy học.
Năm học 2022-2023, tỉnh Kon Tum có 361 trường mầm non và phổ thông. Vừa qua, ngành giáo dục Kon Tum được bổ sung 391 chỉ tiêu biên chế, gồm: 242 chỉ tiêu biên chế mầm non, 128 chỉ tiêu biên chế tiểu học và 21 chỉ tiêu THCS. Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT Kon Tum, trong năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập toàn tỉnh vẫn đang thiếu 1.331 chỉ tiêu biên chế.
Bình luận (0)