Thiếu giáo viên nhưng quy mô đào tạo sư phạm giảm, vì sao?

06/05/2024 06:06 GMT+7

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy năm học 2022-2023 cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên các cấp nhưng quy mô đào tạo sư phạm của năm học này giảm hơn 60.000 so với năm trước đó.

Vì sao xảy ra xu hướng ngược nhau nói trên trong bối cảnh nhiều địa phương cho biết thiếu giáo viên (GV), có nơi cần tuyển hơn 2.000 biên chế.

CHỈ TIÊU, SỐ THÍ SINH TRÚNG TUYỂN GIẢM MẠNH

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2022-2023 cả nước thiếu 118.253 GV các cấp. So với năm học trước, số GV thiếu tăng thêm 11.308 người. Nhiều địa phương trong tình cảnh thiếu GV trầm trọng.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay

NGỌC DƯƠNG

Mới đây, Nghệ An thông qua dự thảo nghị quyết phê duyệt bổ sung 2.187 biên chế GV năm học 2023-2024. Trong đó, địa phương sẽ tuyển dụng 1.352 GV mầm non, 369 GV tiểu học, 441 THCS và 25 THPT.

Nhiều năm nay, ngành giáo dục tỉnh Bình Dương gặp khó khăn về tình trạng thiếu GV mầm non do không có nguồn tuyển dụng, GV nghỉ việc nhiều. Mặc dù tỉnh Bình Dương đã có chế độ, chính sách hỗ trợ hằng tháng cho GV mầm non tuyển dụng mới nhưng cũng không thu hút được người dự tuyển, không tuyển đủ chỉ tiêu hằng năm. Bên cạnh đó, địa phương này còn thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, phụ trách Đội… Hiện các trường công lập trên địa bàn tỉnh không trường nào có GV âm nhạc, mỹ thuật.

Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh và số người học trúng tuyển khối ngành đào tạo GV giảm mạnh trong các năm gần đây. Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2021 Bộ thông báo cho các cơ sở đào tạo 50.505 chỉ tiêu, số thí sinh trúng tuyển là 49.673, đạt 98,35%, nhưng số nhập học cuối cùng chỉ có 43.038 (đạt 85,22% chỉ tiêu).

Đến năm 2022, dựa trên nhu cầu các địa phương đăng ký, Bộ GD-ĐT xác định và thông báo cho các cơ sở đào tạo 37.434 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu đào tạo sư phạm của năm học này giảm mạnh, thấp hơn 13.000 so với năm trước đó. Nhưng thực tế tuyển sinh đợt 1 năm 2022, trong tổng số 81.914 thí sinh đăng ký xét tuyển, số trúng tuyển nhập học chỉ 26.183 (đạt 70% chỉ tiêu). Như vậy, tính cả về số chỉ tiêu được xác định, số thí sinh trúng tuyển đều sụt giảm đáng kể so với năm 2021. Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP (nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm) cho khóa tuyển sinh 2021 đã tác động trực tiếp tới tình hình tuyển sinh năm 2022.

Đến năm 2023, công tác tuyển sinh sư phạm vẫn được Bộ GD-ĐT đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi tổng chỉ tiêu ĐH và CĐ được giao 36.461 (thấp hơn năm 2022 gần 1.000 chỉ tiêu) thì số thí sinh nhập học chỉ 32.500 (đạt 89,14%). Một số khó khăn chủ yếu như các địa phương không đặt hàng đào tạo, xử lý kinh phí đào tạo còn vướng, nhiều ngành khó tuyển…

ĐIỂM NGHẼN DO CƠ CHẾ ĐẶT HÀNG, GIAO CHỈ TIÊU

Đào tạo GV là một lĩnh vực đào tạo đặc thù khi đây là khối ngành duy nhất được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, hằng năm UBND tỉnh/thành rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo GV từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ GD-ĐT trước ngày 31.1. Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng GV theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu cho cơ sở đào tạo GV để thực hiện tuyển sinh.

Thiếu giáo viên nhưng quy mô đào tạo sư phạm giảm, vì sao?- Ảnh 2.

Hiện đang thiếu nhiều giáo viên các môn học theo Chương trình GDPT năm 2018

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo nguyên tắc này, 3 năm liên tục Bộ GD-ĐT thực hiện việc giao chỉ tiêu cho các trường trước mỗi mùa tuyển sinh. Nhưng cũng trong năm 2023, Bộ GD-ĐT có công văn gửi 16 trường ĐH và CĐ về việc không giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm. Trong số 16 trường này, 11 trường trực thuộc tỉnh/thành không có nhu cầu đào tạo GV gồm: Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Quảng Nam. Lý do là các cơ sở đào tạo này trực thuộc các địa phương và các địa phương này đã có văn bản đề nghị không có nhu cầu đào tạo GV. Do đó, Bộ không có căn cứ để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm theo quy định.

Lãnh đạo một trường ĐH có đào tạo GV khu vực Tây nguyên cũng cho rằng có những băn khoăn khi nhìn vào số liệu trên. Thực tế tình trạng thiếu GV đang diễn ra cục bộ ở nhiều môn và cấp học. Nhu cầu của người học các ngành này cũng tăng trong giai đoạn gần đây nhờ chính sách hỗ trợ người học theo Nghị định 116, thể hiện rõ ở điểm chuẩn nhiều ngành tăng mạnh. Nhưng cung và cầu không gặp nhau do điểm nghẽn cơ chế đặt hàng, giao chỉ tiêu đào tạo GV theo Nghị định 116.

Lãnh đạo trường ĐH này phân tích: "Việc xác định chỉ tiêu đào tạo GV hiện theo 2 hướng: Các trường thuộc Bộ GD-ĐT chỉ tiêu được bộ giao theo nhu cầu xã hội; các trường thuộc UBND các địa phương, chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao căn cứ trên yêu cầu từng địa phương. Ví dụ trường CĐ sư phạm địa phương hiện chỉ đào tạo GV mầm non, nhu cầu GV rất thiếu nhưng tỉnh không đặt hàng thì bộ không giao chỉ tiêu".

KHÓ KHĂN TRONG CẤP KINH PHÍ ĐÀO TẠO, BỐ TRÍ VIỆC LÀM

Lý giải thêm tình trạng tréo ngoe trên, cán bộ đào tạo một trường ĐH có đào tạo GV tại TP.HCM nói: "Cùng với việc giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo thì địa phương phải cấp kinh phí cho từng sinh viên trong suốt 4 năm đi học và tiếp tục theo dõi sinh viên ra trường đi làm thêm 8 năm. Chưa kể, sinh viên đó hưởng kinh phí hỗ trợ từ địa phương nhưng ra trường có thể làm việc ở nơi khác miễn trong ngành giáo dục. Bài toán đào tạo GV là chung của cả nước nhưng việc cấp kinh phí đào tạo lại theo từng địa phương. Vì vậy mới có tình trạng các địa phương báo cáo thiếu hàng ngàn biên chế GV nhưng không có đề nghị đào tạo GV".

Cũng theo người này, vấn đề bố trí việc làm cho sinh viên ra trường theo Nghị định 116 vẫn tồn tại nhiều khó khăn; trường hợp sinh viên nhận hỗ trợ nhưng không công tác trong ngành giáo dục thì việc thu hồi kinh phí của nhà nước không hề đơn giản. Việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn giao cho UBND cấp tỉnh nhưng ai chịu trách nhiệm thu hồi và phương thức thu hồi ra sao lại chưa có quy định rõ ràng.

"Tuy nhiên một điều thấy rõ là giảm chỉ tiêu tuyển sinh không xuất phát từ giảm nhu cầu thực tế. Vì vậy, nếu kéo dài sẽ xảy ra tình trạng thiếu GV trong tương lai. Ngay các cơ sở đào tạo lớn, việc duy trì nhiều ngành học ở mức 15-20 chỉ tiêu mỗi năm cũng gặp rất nhiều khó khăn", cán bộ này nói thêm.

Thiếu hàng ngàn GV các môn mới Chương trình GDPT 2018

Thông tin từ Bộ GD-ĐT, đội ngũ GV tại các trường học hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 80% số lượng và chất lượng Chương trình GDPT 2018. Tình trạng thừa, thiếu GV diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là GV dạy các môn tích hợp, môn học mới như: tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Dự báo đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 GV tin học và 5.780 GV ngoại ngữ; cấp THCS, môn lịch sử và địa lý thiếu 6.631 GV; môn khoa học tự nhiên thiếu 2.366 GV; môn nghệ thuật thiếu 4.321 GV.

Để bảo đảm đủ số lượng GV triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở một số môn học mới, Bộ GD-ĐT đề xuất xây dựng chính sách tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm các môn học lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) cấp tiểu học và THCS…

Hiện nay cả nước có 103 cơ sở đào tạo GV, gồm 15 trường ĐH sư phạm (6 trường ĐH sư phạm, 6 trường ĐH sư phạm kỹ thuật, 2 trường sư phạm thể dục thể thao, 1 trường sư phạm nghệ thuật); 50 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù có đào tạo GV, 20 trường CĐ sư phạm và 18 trường CĐ đa ngành có đào tạo GV. Tổng sinh viên sư phạm tốt nghiệp năm 2021 hơn 17.000 và năm 2022 giảm còn hơn 14.000.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.