Thiếu giáo viên, tính phương án 'đặt hàng' đào tạo

15/08/2022 06:15 GMT+7

Dù liên tục tuyển dụng nhiều năm nhưng đến nay số lượng giáo viên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu dạy học. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tỉnh Quảng Nam đang tính đến phương án đặt hàng cho các trường đại học .

Thiếu trầm trọng

Việc thi tuyển giáo viên (GV) các bậc học được Quảng Nam xác định là “triển khai liên tục đến khi nào đủ GV”, tuy nhiên tình trạng khủng hoảng thiếu vẫn cứ xảy ra.

Cụ thể, năm 2020, ngành giáo dục Quảng Nam đặt ra chỉ tiêu tuyển dụng 1.783 GV cho các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Nhưng rồi, GV tiểu học và mầm non vẫn thiếu trầm trọng. Năm 2021, Quảng Nam có 1.955 chỉ tiêu, trong đó 1.363 chỉ tiêu GV tiểu học và mầm non (còn lại chủ yếu là nhân viên trường học) nhưng cũng chỉ tuyển được 1.092 GV. Riêng năm 2022, toàn tỉnh thiếu hơn 2.500 GV (từ bậc mầm non đến THPT), dự kiến tổ chức thi tuyển trong thời gian tới nhưng qua tìm hiểu, tính đến đầu tháng 8 vẫn chỉ mới nhận được 1.640 hồ sơ đăng ký dự thi.

Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết tình trạng thiếu GV trên địa bàn huyện đang rất trầm trọng, gây khó khăn trong công tác giảng dạy. GV ở vùng cao đa số từ đồng bằng lên công tác lâu năm, nay nhiều người xin chuyển về lại. Điều đáng nói, dưới đồng bằng cũng thiếu GV nên buộc phải giải quyết cho một số trường hợp xin về. “Khi GV về lại đồng bằng thì trên này sẽ thiếu. Ở vùng núi, kinh phí hợp đồng mỗi GV theo quy định thấp khiến nhiều thầy cô không mặn mà”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, để khắc phục, ngành giáo dục huyện đã sử dụng hết lực lượng GV cử tuyển (huyện cử đi đào tạo mấy năm trước). Ngoài ra, một số sinh viên người địa phương ra trường chưa tuyển dụng được nên ký hợp đồng “tạm” để tham gia giảng dạy. “Chúng tôi đã gửi tờ trình xin chủ trương của tỉnh cho phép tuyển dụng viên chức để bổ sung. Chậm nhất là từ tháng 9 này, ngành giáo dục huyện sẽ thông báo nhận hồ sơ để tuyển dụng GV. Trong năm học này, dự kiến sẽ tuyển dụng gần 300 người”, ông Thuận nói.

Thiếu giáo viên trầm trọng đang gây khó khăn cho việc dạy, học ở tỉnh Quảng Nam

MẠNH CƯỜNG

Tuyển dụng nhiều, vẫn thiếu

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, thừa nhận có một thực tế đang diễn ra những năm gần đây là dù địa phương tổ chức thi tuyển nhưng nhiều nơi vẫn không đáp ứng chỉ tiêu đề ra. “Nguyên nhân do sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm ra trường ít, nhiều em lại không đáp ứng yêu cầu. Một phần cũng do nhiều năm trước Quảng Nam không tổ chức thi tuyển, chỉ bắt đầu tổ chức khoảng vài năm trở lại đây”, ông Tường nói.

Vì sao thi tuyển liên tục vẫn thiếu chỉ tiêu?

Một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam cho biết lý do của việc “thi tuyển liên tục nhưng không đủ chỉ tiêu” là ngoài nguyên nhân sinh viên sư phạm ra trường ít, còn do luật Giáo dục năm 2019 quy định về trình độ đào tạo GV mầm non, tiểu học thay đổi so với trước đây. Cụ thể, GV mầm non phải có trình độ CĐ trở lên; GV tiểu học, THCS phải có trình độ ĐH. Do yêu cầu cao hơn, nên không nhiều thí sinh đảm bảo đủ tiêu chuẩn để đăng ký.

Ngoài ra, theo ông Tường, có tình trạng người trúng tuyển nhưng... không đến nhận quyết định phân công công tác, buộc UBND tỉnh phải hủy kết quả trúng tuyển. Những người từ chối được tuyển dụng vì thấy công việc không phù hợp với bản thân, do xa nhà hoặc đã tìm công việc khác thuận lợi hơn… “Thiếu GV là thực trạng chung trên cả nước chứ không riêng gì Quảng Nam. Vừa rồi Bộ Chính trị vừa có quyết định bổ sung cho ngành GD-ĐT hơn 66.000 chỉ tiêu nhưng số lượng sinh viên ra trường lại ít”, ông Tường nói thêm.

Để giải quyết tình trạng thiếu GV, hiện nay UBND tỉnh Quảng Nam đã tính đến phương án “đặt hàng” đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. “Dự kiến, sắp tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng kế hoạch để nghiên cứu, xem xét “đặt hàng” cho các trường ĐH Sư phạm đào tạo GV cho tỉnh. Tuy nhiên, việc này cũng có những khó khăn riêng, không phải nói là làm được liền. Mình đặt hàng, nhưng việc học trường nào thì do thí sinh quyết định”, ông Tường chia sẻ.

Giám đốc Sở GD-ĐT cũng đề cập sự lãng phí liên quan đến công tác và chính sách thu hút cán bộ, trong đó có ngành giáo dục. Nhiều địa phương lập ra đề án rất “hoành tráng” để tuyển dụng, thu hút nhân tài; nhưng cuối cùng nhận thấy không được như ý muốn nên nhiều người lao động bỏ việc. “Để tránh lãng phí, vấn đề “đặt hàng” cũng phải được nghiên cứu kỹ, thận trọng thì mới có hiệu quả”, ông Tường thông tin thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.