Thiếu giáo viên trầm trọng ở Quảng Nam

16/07/2024 07:07 GMT+7

Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm nay ở Quảng Nam, nhưng đến nay tỉnh này vẫn chưa có phương án nào khả thi để khắc phục, khiến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn.

MỘT GIÁO VIÊN PHẢI "ÔM" NHIỀU MÔN

Thiếu giáo viên (GV) là bài toán nan giải đối với Quảng Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Điều đáng nói, dù năm nào tỉnh này cũng tổ chức tuyển dụng, song không tuyển đủ chỉ tiêu.

Đơn cử, từ năm 2022, ngành giáo dục huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) đã tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục riêng để chủ động nguồn tuyển. Tuy nhiên, trong kỳ thi tuyển dụng đầu tiên, huyện có 262 chỉ tiêu nhưng chỉ có 97 thí sinh trúng tuyển. Nhiều năm nay, huyện vùng cao này liên tục thiếu hụt GV khiến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn.

Thiếu giáo viên trầm trọng ở Quảng Nam- Ảnh 1.

Hiện hầu hết các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam thiếu giáo viên trầm trọng, một giáo viên phải “ôm” nhiều môn

MẠNH CƯỜNG

Trường THCS Trà Mai nằm ở trung tâm huyện vùng cao Nam Trà My trước đây có nhiều thầy cô giáo xin chuyển đến vì điều kiện đi lại thuận lợi. Tuy nhiên, năm học mới sắp đến nhưng ngôi trường vẫn đang thiếu 7 GV ở nhiều bộ môn như: tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc, địa lý…

Ông Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS Trà Mai, cho biết việc thiếu GV không chỉ xảy ra tại nhà trường mà hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đều cùng cảnh ngộ, kéo dài nhiều năm nay. Việc này đã gây ra nhiều khó khăn cho nhà trường trong việc dạy và học vì một GV phải "ôm" nhiều môn.

NGHỊCH LÝ SINH VIÊN SƯ PHẠM RA TRƯỜNG LOAY HOAY TÌM CHỖ DẠY

Hằng năm có khoảng 60% học sinh miền núi thi đậu vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, khi ra trường, các sinh viên này không được xét tuyển mà phải cạnh tranh qua thi tuyển. Có thể nói, việc thi tuyển để cạnh tranh vào suất biên chế, với các sinh viên miền núi là chuyện rất khó khăn. Vì vậy, nhiều sinh viên miền núi ra trường phải làm trái ngành, trong khi giáo dục miền núi lại rất cần GV người tại chỗ.

Theo ông Điệp, để "giữ chân" GV gắn bó lâu dài với các địa phương miền núi thì tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với GV biên chế cũng như GV dạy hợp đồng. "Với con em miền núi đã dạy hợp đồng nhiều năm thì tỉnh cần phải cho địa phương có một cơ chế, kế hoạch nhằm xét tuyển vào biên chế thay vì thi như hiện nay, để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành giáo dục miền núi", ông Điệp kiến nghị.

Ông Điệp cho rằng năm nào số lượng sinh viên sư phạm ra trường cũng đông, phải loay hoay tìm việc; trong khi nhiều địa phương lại thiếu GV giảng dạy thì đây là một nghịch lý. "Để các địa phương miền núi không còn kéo dài tình trạng thiếu hụt GV, tôi nghĩ về lâu dài cần phải có chính sách đào tạo GV người địa phương tại chỗ để bù vào khoảng trống thiếu GV trầm trọng như hiện nay", ông Điệp đề xuất.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trà Don (H.Nam Trà My) cũng trong tình trạng thiếu GV trầm trọng do nhiều người nghỉ việc hoặc xin chuyển về đồng bằng, khiến lãnh đạo nhà trường "đau đầu". "Hiện nay một số GV dạy hợp đồng có mức lương rất thấp nên nhiều người không mặn mà. Chúng tôi cũng mong các cấp, các ngành quan tâm đến việc tuyển dụng GV biên chế hoặc ưu tiên cho những người đã dạy hợp đồng nhiều năm có cơ hội vào biên chế để được cống hiến trí tuệ, sức trẻ cho ngành giáo dục miền núi", ông Nguyễn Nguyên Bá, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trà Don, kiến nghị.

Thiếu giáo viên trầm trọng ở Quảng Nam- Ảnh 2.

Thiếu GV là "bài toán nan giải". Nhiều năm qua, các địa phương liên tục tuyển dụng song không tuyển đủ chỉ tiêu

MẠNH CƯỜNG

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC KHÓ KHĂN, THIẾU GIÁO VIÊN ĐẠT CHUẨN

Toàn huyện miền núi Nam Trà My có 877 biên chế, nhưng hiện còn thiếu hơn 300 GV. Địa phương đã nhiều lần tuyển dụng cũng như "đỏ mắt" tìm GV hợp đồng để lấp khoảng trống nhưng vẫn không được.

Ông Nguyễn Đăng Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nam Trà My, thừa nhận việc thiếu GV ảnh hưởng lớn đến công tác dạy và học. Câu chuyện thiếu GV là "bài toán nan giải" không chỉ của ngành giáo dục mà còn cả xã hội. Nhiều năm qua, huyện liên tục tuyển dụng song không tuyển đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân là môi trường làm việc còn khó khăn, mức lương thấp nên không thu hút nguồn nhân lực. Ngoài ra, thời gian qua chế độ đãi ngộ, chính sách thu hút GV dưới đồng bằng lên chưa thỏa đáng, rất khó để kêu gọi thu hút GV phục vụ cho việc giáo dục miền núi.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, thừa nhận có một thực tế đang diễn ra những năm gần đây là dù địa phương tổ chức thi tuyển nhưng nhiều nơi vẫn không đáp ứng chỉ tiêu đề ra. Theo ông Tường, tình trạng thiếu viên chức giáo dục của tỉnh nói chung và tại một số huyện miền núi nói riêng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, đối với cấp bậc tiểu học, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định của luật Giáo dục năm 2019, theo đó nâng mức chuẩn của GV tiểu học từ trung cấp lên ĐH dẫn đến thiếu do số lượng đăng ký tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu của địa phương, mặc dù năm nào cũng tổ chức thi tuyển.

Riêng đối với các huyện miền núi thì sau thời gian công tác, nhiều GV xin về lại đồng bằng, trong khi nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng, dẫn đến thiếu nghiêm trọng. Ngoài ra, hiện nay một số trường ở vùng phía đông của tỉnh số lượng học sinh qua các năm tăng cao do dân số cơ học tăng. Mặt khác, đối với các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa đảm bảo nên khó thu hút, giữ chân đội ngũ GV yên tâm công tác lâu dài…

ĐẶT HÀNG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

Để lấp "khoảng trống" thiếu GV như hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo, phân cấp về cho các địa phương triển khai công tác tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục qua từng năm. Trong trường hợp thiếu GV biên chế thì tiếp tục hợp đồng GV trong số lượng người làm việc được giao để đảm bảo chủ trương "có học sinh thì phải có GV". "Về lâu dài HĐND tỉnh sẽ ban hành một cơ chế, chế độ, chính sách cho GV miền núi như hỗ trợ thêm kinh phí ngoài lương được nhận để giữ chân họ. Ngoài ra, nhằm góp phần tạo nguồn nhân lực bền vững, lâu dài cho ngành giáo dục, tỉnh đang có chủ trương đặt hàng đào tạo GV cho các trường ĐH sư phạm theo Nghị định 116 của Chính phủ", Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam nói.

Còn hơn 2.000 biên chế chưa sử dụng nhưng vẫn thiếu hơn 1.000 giáo viên

Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết năm 2024, toàn ngành giáo dục được giao tổng cộng 23.741 biên chế, tuy nhiên đến nay mới sử dụng 21.354 biên chế. Hiện toàn tỉnh còn đến 2.387 biên chế chưa sử dụng, trong đó tập trung phần lớn ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS do các địa phương quản lý với 2.273 biên chế. Riêng cấp học THPT chỉ có 114 biên chế chưa sử dụng. Dù vậy, số biên chế giao vẫn còn thiếu 422 chỉ tiêu so với định mức của Quyết định 2428 của UBND tỉnh, còn nếu theo quy định của Bộ GD-ĐT thì thiếu 1.173 chỉ tiêu biên chế.

Tình trạng này cũng diễn ra tại TP.HCM. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện TP chưa sử dụng hết chỉ tiêu so với số biên chế được giao theo quy định trong 2 năm học gần nhất là 2022-2023 và 2023-2024. Cụ thể, tính đến nay số biên chế chưa sử dụng là 8.379 người, trong đó bậc mầm non là 1.192 người; tiểu học 2.787 người; THCS 3.184 người; THPT 938 người; giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên 154 người; giáo dục chuyên biệt 84 người, trung cấp 40 người.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay lý do không sử dụng được hết biên chế là không tuyển dụng được GV phù hợp. Mặc dù nhu cầu về nhân lực rất cấp thiết nhưng các trường học vẫn không thể tuyển đủ số lượng cần thiết do một số vị trí không có ứng viên đăng ký tuyển dụng.

Mỗi năm, trung bình TP.HCM cần tuyển thêm khoảng 5.000 GV cho các bậc học từ mầm non cho đến THPT, nhưng số GV trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu, thậm chí có môn học rơi vào tình trạng không có ứng viên.

Mạnh Cường - Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.